Mình nghĩ cách mà giáo dục cũng như đại chúng tiếp cận việc ghi chép có nhiều lỗ hổng, bài viết này sẽ giải thích tại sao.
Ai từng trải nghiệm hệ thống giáo dục Việt Nam hẳn sẽ không còn xa lạ với những lời khuyên về tầm quan trọng của việc ghi chép. Nếu ta ngồi yên trong giờ học mà không chép bài sẽ bị cho là lười nhác. Thi thoảng còn có tiết mục chấm vở, vở của ai càng chép nhiều khái niệm, có nhiều công thức (và chữ đẹp) thì càng được điểm cao.
Tất cả những điều này đã tạo cho mình một phản xạ phải chép hết tất cả mọi thứ mình mà mình nghe được trong tiết học. Suốt một thời gian dài, mình gắn số lượng ghi chú mà mình viết được trong vở với thành quả học tập của mình. Tức là ngày nào càng nhiều ghi chú thì càng năng suất.
Nhưng điều này hoàn toàn sai lầm, và bạn sắp biết tại sao.
Bài viết này sẽ đưa bạn đi qua những khía cạnh mà ghi chép (note-taking) tác dụng đến quá trình học tập, vấn đề của việc ghi chép trong tiết học, phân tích hai cách phổ biến mà học sinh đang ghi chép hiện nay, và đề xuất phương pháp học và ghi chú mà cá nhân mình đang áp dụng.

Ghi chép sẽ giúp chúng ta theo những cách nào?

Thường thì ghi chép trong tiết học sẽ giúp chúng ta theo hai cách: Thu nạp kiến thức (encoding) và lưu trữ kiến thức (Storage) (Barnett, Di Vesta and Rogozinski, 1981).
Vấn đề là, nó có thực sự tối ưu không?
Encoding: Một trong những lợi ích chính của việc take note là giúp chúng ta tập trung hơn vào bài giảng, cũng như là tổng hợp thông tin. Tức nó cũng chỉ là một công cụ để bổ trợ tư duy của chúng ta, chứ không phải là điều kiện tiên quyết để ta nhớ được thông tin. Nói cách khác, nếu ngay từ đầu ta đã có khả năng tự xử lý và tổng hợp thông tin ngay trong chính trí não của ta, thì ta cũng chẳng cần phải ghi chú làm gì. Thứ chúng ta cần rèn luyện là khả năng tập trung và xử lý thông tin của ta, chứ chẳng phải khả năng ghi chú.
Và nghiên cứu của Morehead, Dunlosky và Rawson so sánh hiệu quả của các hình thức ghi chú (2019) cũng đã có một thí nghiệm cho thấy rằng trong bài kiểm tra ngay sau khi xem một video, thì sự khác biệt về kết quả giữa nhóm ghi chú nội dung và nhóm không ghi chú là không đáng kể. Vậy có lẽ lợi ích chính của việc ghi chú nằm ở quá trình lưu trữ (storage).
Storage: Ghi chú giúp ta lưu trữ thông tin để tiện cho việc ôn tập sau này. Phần lớn giá trị của việc ghi chú nằm ở quá trình ôn tập ở sau, chứ nội bản thân việc ghi chú thì không tạo ra sự khác biệt trong quá trình học (Peverly and Wolf, 2019). Nhưng ghi chú có thực sự cần thiết trong việc ôn tập lại bài giảng không? Bởi (1) chất lượng ghi chép của chúng ta thường khá sơ sài và không đủ ý; (2) đa số các nội dung được nói đến trong bài giảng đều có thể ôn lại trong sách giáo khoa, slide bài giảng, đối với các lớp học online thì còn có cả video để ta xem lại.
Túm cái quần lại, mình nghĩ sẽ có các phương pháp khác tốt hơn để đạt được hai chức năng của ghi chú trên giảng đường đại học là Encoding và Storage.
Thứ chúng ta cần rèn luyện là khả năng tập trung và xử lý thông tin của ta, chứ chẳng phải khả năng ghi chú.
Thứ chúng ta cần rèn luyện là khả năng tập trung và xử lý thông tin của ta, chứ chẳng phải khả năng ghi chú.

Vấn đề của việc ghi chép trong tiết học.

Việc chúng ta vừa học vừa ghi chép có thể sẽ khiến sự chú ý của ta bị phân tán. Lúc này, trí nhớ làm việc phải vừa thực hiện hành động chuyển ý nghĩ thành câu chữ, vừa phải chú ý để theo kịp bài giảng của thầy cô. Hẳn các bạn không còn xa lạ gì với tình trạng “cúi xuống chép bài, ngước lên mất gốc”. Tốc độ ghi chép của chúng ta không thể nào nhanh bằng tốc độ giảng của thầy cô, từ đó sự xung đột sẽ xảy ra.
Hơn nữa, để thu nạp kiến thức hiệu quả thì chúng ta cần phải hiểu được mối tương quan giữa kiến thức chúng ta đang học với kiến thức chúng ta đã biết, cũng như giữa các đơn vị kiến thức mà ta đang học với nhau (McDermott and Roediger, 2018). Điều này đòi hỏi chúng ta phải liên tục vừa nghe giảng, vừa tư duy, vừa tạo liên kết. Mà rõ ràng chúng ta khó có thể làm điều đó nếu chúng ta cứ cặm cụi chép bài.
Ngoài ra, bản thân việc ghi chép trong tiết học cũng có nhiều lỗ hổng. Học sinh thường mắc phải những lỗi sau đây khi ghi chép (Peverly and Wolf, 2019): (1) bỏ qua các chi tiết quan trọng với nội dung của bài; (2) ghi chép thiếu bối cảnh để làm rõ thông tin; (3) chép các thông tin mơ hồ hoặc chưa chính xác; (4) thường chép nguyên văn bài giảng mà không thể hiện được tư duy của bản thân.
Có thể thấy, ghi chép không phải là không có ích trong quá trình nghe giảng, nhưng nó không phải là điều bắt buộc để ta có thể hiểu bài giảng. Thậm chí nếu hăng say chép bài mà không tư duy thì còn bị phản tác dụng.
Bây giờ mình sẽ đi vào phân tích cụ thể cách mà phần đa học sinh đang ghi chép hiện tại.

Thực trạng ghi chép của học sinh hiện nay

Theo kinh nghiệm cá nhân cũng như quan sát từ những người xung quanh, mình nhận ra có hai phong cách ghi chép phổ biến sau đây:
Team “bạ đâu chép đấy”: nhóm này gồm những người nghe thầy cô nói bất kỳ cái gì “có vẻ hay” là lập tức chép xuống, không cần suy nghĩ. Học sinh từ lớp 1 - lớp 12 là thành viên tiêu biểu của nhóm này, với rất nhiều tiết mục “thầy đọc, trò chép”.
Team “vở sạch chữ đẹp”: nhóm này sẽ đặt tính thẩm mỹ của ghi chép lên hàng đầu, và đây cũng là nhóm xuất hiện nhiều nhất khi chúng ta search từ khóa “note-taking” trên Tiktok hay là Instagram.
Chúng ta cùng đi sâu vào phân tích hai nhóm này nhé.

Vấn đề với việc bạ đâu chép đấy

Bạn cần hiểu rằng ghi chép bản chất cũng chỉ là để hỗ trợ tư duy của chúng ta. Với những ai đã trải qua ít nhất 10 năm làm con dân của bộ giáo dục thì chắc mọi người cũng biết là không có chuyện chúng ta chép bài vào vở và ngay lập tức thuộc lòng tất cả mọi thứ.
Cốt lõi để chúng ta ghi nhớ một thông tin vẫn là ý nghĩa nội hàm của nó đối với ta. Đó là lý do có những điều bạn chép cả trăm lần nhưng vẫn quên, những cũng có những thứ chỉ nghe đúng một lần đã khiến bạn nhớ mãi.
Ví dụ cụ thể hơn, bạn hãy thử ghi chép những chữ cái này xem có nhớ được không.
a/p/p/y/y/h/a/d/i/r/b/h/t
Khả năng cao đến lần chép lại lần thứ 10, bạn sẽ thuộc nó, nhưng có lẽ khoảng 3 tiếng đồng hồ sau bạn sẽ lại quên, và dù chép bao nhiêu lần vẫn vậy, bởi những chữ cái trên dường như vô nghĩa.
Ngược lại, bạn chẳng cần ghi chép gì vẫn sẽ nhớ được những chữ cái này:
h/a/p/p/y/b/i/r/t/h/d/a/y,
và khả năng cao là đến một tuần sau bạn vẫn nhớ được.
Về căn bản, những chữ cái ở dòng trên và dòng dưới là giống nhau, nhưng nếu bạn chỉ ghi nhớ ở một trật tự rời rạc, bạn sẽ không bao giờ nhớ được dòng trên, mà bạn cần phải xử lý nó sao cho những chữ cái đó trở nên có ý nghĩa đối với bạn.
Điều tương tự cũng đúng với việc học trên lớp. Bạn sẽ không bao giờ hiểu và nhớ được một khái niệm nếu bạn chỉ nắn nót chép sao cho ghi chú của bạn càng đẹp càng tốt. Bạn cần tự tư duy sao cho khái niệm đó trở nên gần gũi hơn với mình; có thể là thử nhìn vào ví dụ trong sách rồi tự lấy một ví dụ của riêng bạn, hay là suy nghĩ xem bạn sẽ áp dụng khái niệm này vào thực tế như thế nào. Chép xuống chỉ là bước cuối cùng trong quá trình học.
Chép xuống chỉ là bước cuối cùng trong quá trình học.
Chép xuống chỉ là bước cuối cùng trong quá trình học.

Thế “vở sạch chữ đẹp” có gì sai?

Bản thân việc nắn nót trình bày ghi chú một cách thẩm mỹ không có gì là sai cả, nhưng cách mà nhiều học sinh thực hiện nó mới là vấn đề.
Như đã nói ở trên, ghi chú chỉ là công cụ để hỗ trợ quá trình tư duy, và nó nên phản ánh chính chiều sâu tư duy của chúng ta, chứ không phải đơn thuần là chép lại những gì được nói trên bài giảng.
Vấn đề ở đây là chúng ta không thể nào tư duy gọn gàng sạch đẹp ngay từ lần đầu tiên được. Nếu những khái niệm ta đang học chỉ yêu cầu chúng ta đọc vẹt để mai lên kiểm tra bài cũ thì không nói làm gì, nhưng với các khái niệm trìu tượng và khó nắm bắt, mọi thứ phức tạp hơn nhiều. Để tiếp thu hiệu quả, chúng ta sẽ cần phải tự suy đoán mối quan hệ giữa các khái niệm, tự diễn giải theo cách hiểu của mình, sau đó nghe giảng và hỏi thầy cô để xác nhận cách hiểu của mình. Và rõ ràng với các bạn vở sạch chữ đẹp thì thời gian nắn nót, kẻ ô và dùng highlight đã quá bán rồi, thời gian đâu ra mà tự chiêm nghiệm.
Một khi ta đã thực sự hiểu bài thì việc ta chép lại một cách thẩm mỹ là không có gì sai, nhưng nếu ta đưa thẩm mỹ lên làm ưu tiên hàng đầu, sẽ rất dễ để ta tự hủy hoại quá trình tư duy của mình.
Các bạn có thể xem thêm video này để hiểu hơn những gì mình đang viết.
Tiện đây mình cũng muốn nói thêm là đa số các video về ghi chép trên tiktok là vớ vẩn. Kiểu ghi chép nguyên văn (verbatim), rồi highlight màu mè như thế vừa tốn thời gian, vừa không hiệu quả. Để nhìn thì ổn chứ để học thì vứt.
Bận chép đẹp thì còn thời gian đâu mà tư duy?
Bận chép đẹp thì còn thời gian đâu mà tư duy?

Tại sao mình dừng ghi chú trên giảng đường đại học?

Đọc đến đây, mình muốn các bạn lưu ý rằng mình không hề chỉ trích việc ghi chú nói chung, và bản thân mình vẫn thường xuyên ghi chú những lúc mình tự học. Tuy nhiên, trên giảng đường đại học, việc vừa nghe giảng vừa ghi chú sẽ khiến chúng ta khó tập trung tư duy và dễ sa đà vào bản thân việc ghi chép thay vì thực sự thu nạp kiến thức.
Nếu không ghi chú trên giảng đường thì mình làm gì? Sau đây mình sẽ chia sẻ với các bạn cách mà cá nhân mình học trước tiết học, sau tiết học, và trong tiết học.
Trước tiết học: Trước ngày học, mình sẽ dành khoảng 30 phút để xem trước bài. Trong đó 5 phút mình sẽ đọc qua và hiểu ý chính, 5 phút mình sẽ tra cứu tất cả các thuật ngữ mà mình không hiểu, và 20 phút còn lại mình sẽ thử tạo mối liên kết giữa nội dung mình sắp học với các kiến thức mình đã học (VD: vai trò của email marketing trong hành trình khách hàng), và chỗ nào mình cảm thấy mù mờ thì mình sẽ ghi lại để hỏi thầy cô.
Trong tiết học: Bởi mình đã chuẩn bị từ hôm trước nên mình sẽ không phải tốn thời gian cho những việc như là tra google xem từ này nghĩa là gì, hay cố gắng hiểu xem thầy cô đang nói cái mèo gì. Thay vào đó, mình chú tâm xem cách hiểu của mình hôm qua có đúng với những gì thầy cô đang giảng không, hỏi thầy cô những gì mình đã thắc mắc từ tối qua, và cố gắng liên hệ các kiến thức mình đang học với những gì mình có thể áp dụng trong thực tế.
Mình sẽ chỉ ghi chép trong 3 trường hợp: (1) Thầy cô nhấn mạnh kiến thức này quan trọng cho bài kiểm tra sắp tới; (2) Thầy cô nói những thông tin không có trong slide bài giảng nhưng lại có liên quan đến bài kiểm tra sau này, và (3) não bộ mình quá tải và cần ghi chép xuống để giảm tải nhận thức (cognitive load).
Ngoài ra, mình cũng sẽ để một tờ giấy trắng bên cạnh, nhưng không phải để ghi chú bài mà để ghi lại tất cả những điều làm mình phân tâm trong lúc học. Trong khi học nếu mình nhớ ra có việc cần phải làm thì ngay lập tức mình sẽ ghi nó vào tờ giấy này, và úp nó lại để sau khi học mình sẽ giải quyết.
Sau tiết học: Đây mới là lúc mà mình ghi chép nhiều nhất. Ngay trong ngày hôm đó, mình sẽ dành thêm khoảng 10-30 phút để viết lại những gì mình học được mà không nhìn lại slide bài giảng. Làm như vậy, mình áp dụng được active recall (chủ động gợi nhớ) - đây là một phương pháp mà có lẽ ai tìm hiểu về học tập sẽ không còn xa lạ. Ngoài ra, mình cũng nhận ra những vùng kiến thức mà mình chưa nhớ được để lên lịch học bổ sung, chứ nếu chỉ đọc lại note một cách thông thường thì mình sẽ không bao giờ nhận ra mình đang yếu chỗ nào.
Ngoài ra, nếu có thời gian mình sẽ áp dụng Feynman Technique (Đơn giản hóa và giảng lại cho người khác) bằng cách chém gió với lũ bạn của mình. Bài học nào mình cảm thấy hay quá thì mình sẽ viết bài về nó, vừa củng cố kiến thức của mình về chủ đề này, vừa xây dựng thương hiệu cá nhân.
Dạo gần đây mình đang tập sử dụng mind map, không phải chỉ là vẽ rễ cây hay đám mây như mọi người thường nghĩ, mà là thực sự cô động các ý, sử dụng hình ảnh để minh họa và vẽ các liên kết để thể hiện mối quan hệ của các vùng kiến thức. Vì chưa thực sự rành lắm về mind map nên mình không dám chia sẻ sâu hơn, các bạn có thể xem video này để tìm hiểu thêm:

Kết

Mình muốn nhắc lại một lần nữa là bài viết này không hề có mục đích chỉ trích việc ghi chép. Mình vẫn nghĩ ghi chép rất quan trọng trong học tập; nhưng đặt trong bối cảnh lớp học, khi mà chúng ta phải học một lượng kiến thức lớn trong thời gian giới hạn, thì việc vừa nghe giảng vừa chép bài không hẳn là tối ưu.
Hơn nữa, các bạn cũng đừng mù quáng tin những gì mình viết là đúng 100%, mà hãy tự thử nghiệm. Hãy thử làm theo quá trình mà mình hướng dẫn như trên khoảng 1 tuần, rồi so sánh với hiệu suất thông thường của bạn, từ đó quyết định là nó có hiệu quả với bạn hay không.
Nguồn tham khảo:
Barnett, J.E., Di Vesta, F.J. and Rogozinski, J.T. (1981). What is learned in note taking? Journal of Educational Psychology, 73(2), pp.181–192. doi:https://doi.org/10.1037/0022-0663.73.2.181.
McDermott, K.B. and Roediger, H.L. (2018). Memory (encoding, storage, retrieval). General Psychology FA2018. Noba Project: Milwaukie, OR, pp.117–153.
Morehead, K., Dunlosky, J. and Rawson, K.A. (2019). How Much Mightier Is the Pen than the Keyboard for Note-Taking? A Replication and Extension of Mueller and Oppenheimer (2014). Educational Psychology Review, 31(3). doi:https://doi.org/10.1007/s10648-019-09468-2.
Peverly, S.T. and Wolf, A.D. (2019). Note-Taking. The Cambridge Handbook of Cognition and Education, pp.320–355. doi:https://doi.org/10.1017/9781108235631.014.