4h30 chiều, tôi từ tốn thu dọn lại tài liệu ở công ty để chuẩn bị chấm công ra về. Trời hôm nay có một chút mây nhưng vẫn trong, ánh nắng vàng buổi chiều hắt qua song cửa tạo một cảm giác ấm áp nhè nhẹ. Mặc dù công việc vẫn còn tương đối nhiều, một số đồng nghiệp vẫn còn ở lại tăng ca nhưng tôi tự cho phép bản thân về đúng giờ một hôm. Tôi cảm thấy hôm ấy là một ngày đặc biệt, và những ngày đặc biệt thì tôi muốn sống chậm đi một chút, để quan sát.

MỘT NỬA CÂU CHUYỆN: QUỐC TẾ PHỤ NỮ

Về cơ bản, Quốc tế Phụ nữ là một dịp đặc biệt hàng năm để cánh đàn ông chúng tôi bày tỏ sự trân trọng và yêu thương đến những người phụ nữ quan trọng trong cuộc đời mình. Thành thật mà nói thì đôi lúc tôi nghĩ: ngày bình thường cũng yêu chứ có phải yêu mỗi một ngày đâu mà phải quà với chả cáp. Chúng tôi cũng có ngày quốc tế đàn ông gì gì đấy mà có ai tặng quà gì đâu, vẫn sống khỏe. Cơ mà sau vài món quà nhỏ, vài lời chúc nhỏ tưởng chừng như chẳng tốn bao nhiêu công sức thì tôi thấy nụ cười toe toét hạnh phúc trên khuôn mặt 'họ'. Thế là dần dà về sau tôi cũng tự cài đặt vô não bộ của mình là tới mấy ngày này nên quan tâm 'họ' thêm một chút, nếu tiện thì mua vài ba món quà nhỏ càng tốt. Họ vui, mình cũng vui, thế giới này hòa bình!
Về mặt lịch sử thì ý tưởng về việc chọn ra một ngày để tôn vinh phụ nữ đã được đề xuất bởi một người phụ nữ người Mỹ có tên là Clara Zetkin vào năm 1910 tại Copenhagen, Đan Mạch. Sau này, những người phụ nữ đã tụ tập trước Cung điện Tổng thống ở St. Petersburg, Nga để phản đối chính phủ và yêu cầu bình đẳng giới tính vào ngày 8/3 năm 1917. Biểu tình này đã trở thành một phần của Cuộc cách mạng Tháng Mười Nga, và ngày 8/3 được chọn để kỷ niệm. Đến năm 1977 thì nó được chính thức công nhận bởi Liên Hợp Quốc.
Cảnh biểu tình đòi các quyền cho phụ nữ (Ảnh sưu tầm)
Cảnh biểu tình đòi các quyền cho phụ nữ (Ảnh sưu tầm)
Cái không khí 'nô nức' và 'đáng mong đợi' của ngày 8/3 hình như đã diễn ra từ trước đó một hôm, khi tôi thấy lũ bạn đực rựa của mình bắt đầu thảo luận xem nên mua quà gì cho người yêu. Người thì tính tối dẫn đi ăn, đi xem phim; người thì tính chuyện mua son, mua hoa; mấy thằng FA là mấy thằng siêng góp ý nhất trong những buổi thảo luận như thế này trong nhóm. Có ông anh đồng nghiệp của tôi vừa đi công tác gần 2 tháng bên Ấn Độ về chưa kịp nghỉ ngơi đã chạy ngay đến công ty cùng với một bó hoa to tướng dành tặng cho cô người yêu bé nhỏ của mình. Có lãng mạn không? Lãng mạn quá ấy chứ.
Cái không khí ấy rõ nét nhất hình như lại không nằm ở từng cá nhân hay trường hợp cụ thể mà nó nằm ngay trên những cung đường mà ta đi qua trong ngày hôm ấy. Ý tôi là ở những ngã tư, ngã ba, trên vỉa hè trước cổng doanh nghiệp, trường học, hay ở chợ, công viên,... bất cứ nơi nào công cộng và có đủ chỗ trống để ta bày một gian hàng hoa ở đó. Cứ mỗi lần dừng đèn đỏ là tôi thấy la liệt những sạp hoa di động trên vệ đường, từ hoa giấy, hoa đan bằng len đến hoa thật đủ thể loại. Mà không chỉ hoa đâu, còn có những túi quà gói sẵn, những con gấu bông thắt nơ mà tôi tưởng thường chỉ tặng lúc đi mừng tốt nghiệp. Quả thực những sạp hàng "thời vụ" này là một cứu cánh đắc lực của các quý ông hơi đãng trí hoặc vì nguyên nhân gì đó vẫn chưa có kế hoạch cụ thể trong ngày quan trọng.

NỬA CÒN LẠI: NHỮNG MẢNH ĐỜI CƠ HÀN

Cơ mà, chuyện kỳ quặc mà tôi muốn nói đến ở đây là gì? Hãy để tôi bắt đầu theo cách gián tiếp, nghĩa là bằng một câu chuyện.
Hồi năm 14 tuổi tôi có được cử đi tham gia một hội thảo cấp tỉnh về quyền trẻ em. Đại loại là những đứa nhóc cấp 2 bọn tôi sẽ chia nhóm thảo luận và nêu lên những vấn đề xã hội mà chúng tôi thấy bất bình trong cuộc sống đến những người có những vai trò lớn hơn trong bộ máy nhà nước, những người đầu ngành của tỉnh tôi lúc bấy giờ.Tinh thần của buổi hội thảo ấy là mặc dù chúng tôi còn nhỏ chưa tác động quá nhiều lên các vấn đề ấy, nhưng chúng tôi có quyền nói lên một cách dân chủ và sẽ được lắng nghe. Còn chuyện có thực hiện thay đổi hay không và cụ thể thực hiện thế nào thì chúng tôi không biết, cũng không tham gia được. Tôi còn nhớ trong buổi sáng ngày hôm ấy có nhiều bạn nêu các vấn đề về bạo lực học đường, về buôn bán xiên bẩn gây độc hại, về ý thức chấp hành giao thông, nhiều nhất thì vẫn là vấn đề môi trường, rác thải và ô nhiễm.
Riêng phần tôi thì lần ấy tôi đứng lên nói về chuyện những đứa trẻ phải đi bán vé số và ăn xin từ quá bé, có thể có cả những "tên chăn dắt" phía sau mà ta không biết. Đã rất nhiều lần tôi đi ăn ngoài cùng gia đình và gặp phải những đứa bé như vậy, có thể đi một mình, có lúc đi với người lớn hơn. Có khi thì tụi nhóc kéo cả băng mấy đứa trạc tuổi cùng đi bán hàng rong, có hôm có những đứa đi một mình hoặc địu đứa em nhỏ xíu phía sau lưng. Tôi đã từng một thời gian bị ám ảnh bởi cuốn sách "Kẻ Chăn Dắt" của Đặng Chương Ngạn, những mảnh đời trong cuốn sách nhỏ ấy đã làm tôi thương cảm và khóc. Tôi không biết chúng bán như vậy hay ăn xin như vậy thì một ngày được mấy đồng, có đủ ăn không, rồi tối về ngủ ở đâu, có chỗ tắm không, có chỗ đi vệ sinh không, những cơ sở bảo trợ xã hội có thể đón những đứa bé như vậy về nuôi và cho ăn học hay không? Tôi đã nghĩ thật nhiều về những đứa trẻ đó từ những ngày còn là một cậu thiếu niên và cho đến tận bây giờ đôi lúc tôi vẫn còn thắc mắc.
Ảnh sưu tầm
Ảnh sưu tầm
"Mỗi em một số phận, một cuộc đời. Có em mồ côi, có em bị bắt cóc nhưng tất cả đều trở thành những con thú non đáng thương trong đôi tay lạnh lùng của những kẻ đi săn và đi chăn không có trái tim người. Khi em không xin được tiền, em bị đánh đập, bị hành hạ, bị bỏ đói. Em ốm đau, chúng vẫn đẩy em ra đường trong đôi chân run rẩy vì mệt nhọc. Em đi không được thì em bò, em bò không được thì em lết, miễn sao em khiến thiên hạ xung quanh em xót xa và bỏ vào tay em những đồng bạc lẻ, miễn sao đến cuối ngày em kiếm đủ “chỉ tiêu” mang về nộp cho bọn chăn dắt." - Trích từ sách "Kẻ Chăn Dắt"
Và, trên con đường từ nơi tôi ở đến công ty, tôi thấy thật nhiều thật nhiều những hình ảnh như vậy!

HAI MẢNH GHÉP LẠI: MỘT CUỘC CẠNH TRANH VỊ TRÍ KỲ QUẶC

Sẽ rất bình thường nếu tách riêng hai mảnh ghép đúng không? Ở những chỗ công cộng, người ta bày hoa bán cho một nhóm đối tượng khách hàng trong một dịp đặc biệt. Họ ca ngợi vẻ đẹp của một nửa thế giới, ca ngợi những đấu tranh cho một hiện tại và tương lai tươi sáng, về bình đẳng giới, sinh sản, bạo lực và lạm dụng ở nữ giới. Điều này hết sức bình thường.
Và cũng ở những chỗ công cộng ấy, hằng ngày, vẫn là nơi để những người không quá may mắn trong cuộc sống đến đó để 'mưu sinh'. Tôi để chữ mưu sinh trong ngoặc kép vì nhiều vấn đề thực hư xoay quanh vấn đề này, nhưng ta hãy tạm gác qua và cứ tạm chấp nhận rằng đó là mưu sinh đi nhé? Những đứa trẻ bán vé số, bán hàng rong, những cụ già, những người bị thương tật ngồi đó ăn xin,... tất cả, tất cả những việc ấy cũng diễn ra ở những nơi công cộng như vậy.
Và khi thấy hai nhóm người trong hai mảnh ghép này cùng gặp nhau vào môt ngày đặc biệt, cảm xúc đầu tiên dâng lên trong tôi là "sự kỳ quặc". Tôi không thể nào gọi ra một cái tên cụ thể để diễn tả cảm xúc lúc ấy, vào ngày hôm ấy. Tôi thấy ông cụ cụt hai chân ngồi bán vé số nhìn chăm chú đến mức nhăn nhó đến sạp hàng bán hoa của một bạn trẻ kế bên, cách chỗ ông ngồi chỉ chưa đến 1 mét, có vẻ như ông không hiểu ý nghĩa đằng sau những bó hoa xinh đẹp ấy là gì. Và dường như sự xuất hiện của những màu sắc tươi tắn kia làm cản trở rất nhiều đến 'công việc' của ông - cũng có thể câu chuyện nằm ở hướng ngược lại, rằng ông mới chính là người đang cản trở. Ở một góc khác là một bà cụ ăn xin cũng lủi thủi vào một góc bên trong vỉa hè, nhường chỗ cho mấy sạp quà trưng ra phía trước. Hay ở chỗ khác nữa mấy đứa nhỏ hàng ngày vẫn ngậm dầu rồi bày trò thổi lửa mỗi khi đèn đỏ, để rồi sau đó chúng cầm cái xoong mẻ đi xin tiền, trong ngày này cũng đìu hiu ngồi một góc.
Chúng ta đều biết rằng việc cạnh tranh các vị trí đắc địa, mặt tiền để kinh doanh buôn bán là điều quan trọng nhỉ? Vị trí đặt cửa hàng sẽ quyết định rất nhiều đến doanh thu, sự cạnh tranh với các đối thủ, chi phí vận chuyển, khả năng tiếp cận khách hàng tiềm năng,... Tương tự như vậy khi tôi xét đến trường hợp của hai nhóm đối tượng kể trên. Có vẻ như miếng bánh chung là những nơi công cộng đang bị chia đôi một cách hết sức bất đắc dĩ. Cuộc cạnh tranh về vị trí đặt cửa hàng trong kinh doanh giờ đây xảy ra ở một quy mô nhỏ hơn nhưng cũng không kém phần "dở khóc dở cười".
Đến tận lúc này hồi tưởng lại tôi vẫn không thể gọi tên chính xác cảm xúc khi nhìn thấy cảnh tượng ngày hôm ấy. Nếu đổi lại là bạn, dưới góc nhìn của tôi, bạn sẽ gọi tên cảm xúc ấy là gì?