Trong văn học, mỗi nhà thơ, nhà văn đều mang trong mình những phong cách nghệ thuật khác nhau. Nghệ thuật trong ngôn từ của họ tựa như những loài hoa với nhiều vẻ đẹp và hương thơm riêng biệt. Điển hình như với nhà thơ Xuân Diệu, khi nhắc đến ông, ta không thể không nghĩ đến những dòng thơ mãnh liệt khao khát về tình yêu và mùa xuân. Bên cạnh “nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ mới”, Chế Lan Viên - ông cũng đã bước vào thi ca Việt Nam khi phong trào Thơ mới xuất hiện, lại vô cùng nổi bật trong phong cách sáng tác có phần táo bạo, độc đáo của mình.
Nhà thơ Chế Lan Viên (1920-1989) tên thật là Phan Ngọc Hoan, ông sinh ra ở Quảng Trị nhưng ông có tình yêu và sự gắn bó mật thiết với mãnh đất Quy Nhơn - Bình Định. Bút danh và cả đề tài sáng tác của ông cũng liên quan đến vùng đất này.
Trước hết, với bút danh Chế Lan Viên, đây được xem như là nghệ danh gắn liền với nhà thơ. Được biết, ông lấy tên Chế Lan Viên vì ông tự nhận chính mình là bông hoa lan trong khu vườn nhà họ Chế - dòng họ vua chúa của dân tộc Chăm ở nước Chiêm Thành xưa. Ông tiếc thay cho sự sụp đổ của vương quốc Chiêm Thành, cùng với những năm tháng sống cùng sự kiềm hãm của thực dân, nhà thơ đã hiểu được sự nhục nhã, đớn đau của người dân trước cảnh nước mất nhà tan. Sự ra đời của tập thơ “Điêu tàn” năm ông 17 tuổi đã là một nhân chứng sống cho tâm trạng, cảm xúc của ông lúc bấy giờ; nó thể hiện được tấm lòng đa sầu, đa cảm của người thanh niên. Đây cũng là bước ngoặc lớn giúp ông bước chân vào phong trào Thơ mới và để lại nhiều giá trị nghệ thuật và cuộc sống.
1. Nhà thơ của những nỗi hoài niệm khôn nguôi về quá khứ
Thơ mới được xem là một cuộc cách mạng về hình thức nghệ thuật, nó giải phóng thơ ca khỏi những ràng buộc nghiêm ngặt đã trở thành lỗi thời của thơ ca trung đại. Tập thơ “Điêu tàn” (1937) của nhà thơ đã thành công mang đến những luồng gió mới, thậm chí là “điên dại” đến với độc giả; tập thơ này cũng là tiền đề khai sinh ra một trường thơ mới lúc bấy giờ - người ta vẫn thường hay nhắc đến và gọi những dòng thơ ấy là “Thơ điên” hay “Trường thơ loạn”. “Cái sọ người”, “Đám ma”, “Xương khô”, “Đêm tàn”, “Cõi ta”, “Những nấm mồ” (Điêu tàn),… Ta không khỏi bất ngờ và rùng mình trước nhan đề các bài thơ; “cái độc đáo” này khác hẳn so với những độc đáo trong thơ ca Việt Nam từ lúc ấy đến tận bây giờ. “Cái chết” là điều mà có lẽ bất kì ai cũng lo sợ, né tránh, ruồng bỏ,… nhưng Chế Lan Viên thì không, ông lại dùng chính những chất liệu gắn liền với “cái chết” như : bóng tối, mồ hoang, sọ người, xương khô, những hồn ma,… để xây dựng nên tập thơ “Điêu tàn”. 
Mi nhớ đến cảnh pháp trường ghê rợn Sọ muôn người lần lượt đuổi nhau rơi? Hay mi nhớ những đêm mờ rùng rợn Hồn mi bay trong đốm lửa ma trơi?
( Cái sọ người )
Những dòng thơ táo bạo và điên dại đã cho ta thấy rõ được tâm trạng của người thanh niên 17 tuổi, không còn là những suy nghĩ ngây thơ, nhỏ dại; trong ông đang là một miền cảm xúc uất hận, thương tiếc cho những người đã ra đi trong chiến tranh. Ông mượn những hình ảnh man rợ từ cái chết để nói thay lời của người dân, để cho họ biết được những khổ đau mà cái chết đã mang đến, hiểu được đớn đau và tủi nhục nơi lòng đất tối đen; nhà thơ như muốn dựng lại hình ảnh vương quốc Chiêm Thành thời vàng son với nỗi niềm hoài cổ bên trong ông. Hoài Thanh nhận xét “Quyển Điêu tàn đã đột ngột xuất hiện ra giữa làng thơ Việt Nam như một niềm kinh dị”. Sự xuất hiện của những vần thơ chết chóc của ông đã làm khuynh đảo nền thơ ca Việt Nam và góp phần làm thay đổi nền thi đàn nước nhà. Những dòng thơ ấy lại càng khẳng định sự ra đời của phong trào Thơ mới.
Sau sự thành công của “Điêu tàn”, nhà thơ tiếp tục sáng tác nhiều bài thơ cùng chủ đề như: “Chết giữa mùa xuân”, “Thơ đã mất trinh”, “Im lặng”,… 
Một mùa xuân chết giữa mùa xuân Đón lấy môi hoa nhẹ rụng dần Còn sót nhiều thơ trong sắc nhạt Mà chưa tan với gió cùng trăng
( Chết giữa mùa xuân )
Vẻ đẹp mùa xuân tươi mới, rộn ràng qua ngòi bút của thi nhân bỗng hoá nhạt nhoà, vương vấn những sắc nhạt trong thơ, vẫn còn ở lại cùng trăng và gió. Mùa xuân vẫn đẹp, vẫn là niềm yêu thích của nhiều người nhưng lần này Chế Lan Viên lại miêu tả nó rất lạ, ông thả vào những hồn thơ là sự lưu luyến, sự buông bỏ,… Điều đó lại càng khẳng định cho cái vẻ đẹp độc đáo trong thơ của ông. Nếu Thanh Hải muốn dâng hiến tất cả tình yêu, sự sống của mình cho mùa xuân: Một mùa xuân nho nhỏ/ Lặng lẽ dâng cho đời (Mùa xuân nho nhỏ) thì Chế Lan Viên lại dùng mùa xuân để nói hộ lòng ông, nói hộ cái tâm trạng sầu đau mà ông cảm nhận lúc bấy giờ, một miền cảm xúc tiếc thương, hoài cổ.
Như vậy, “Trường thơ loạn” đã được khai sinh ra bởi tập thơ “Điêu tàn”, ta không khỏi thán phục trước tài năng và tâm tư của người thi sĩ đa sầu, đa cảm này. Chính ông đã mang đến những hồn thơ mới, những hồn thơ man rợ đến rùng mình cho độc giả, cho nhân dân khắp mọi miền. Điều đó đã đánh dấu một thể loại thơ mới cho thi đàn Việt Nam.
2. Thi sĩ của nhân dân và đất nước
Sau cách mạng tháng Tám, thơ của Chế Lan Viên có nhiều biến chuyển, thơ của ông dần trở lại với cuộc sống, hoà nhập với con người. Tập thơ “Ánh sáng và phù sa” (1960), “Hoa ngày thường - Chim báo bão”(1967), Hoa trước lăng Người (1976), Hái theo mùa (1977) là minh chứng tiêu biểu cho bước ngoặc lớn trong sự nghiệp sáng tác của ông. Đa số những tác phẩm đều được nhà thơ gửi gắm vào trong đó là sự khích lệ, niềm tự hào và gợi ca vẻ đẹp của người anh hùng bảo vệ đất nước, quê hương. 
Trên Tây Bắc! Ôi mười năm Tây Bắc Xứ thiêng liêng rừng núi đã anh hùng Nơi máu rỏ tâm hồn ta thấm đất Nay rạt rào đã chín trái đầu xuân
“Tiếng hát con tàu” - (Ánh sáng và phù sa)
Bài thơ này được Chế Lan Viên làm trong hoàn cảnh đau yếu, không đi đâu được, trong khi các bạn đồng nghiệp đi thực tế ở nhiều nơi. Tác giả viết lên những dòng thơ nhằm tự an ủi mình và miêu tả vẻ đẹp anh hùng của vùng Tây Bắc. Tác phẩm “Tiếng hát con tàu” được xem là bài thơ tiêu biểu nhất của Chế Lan Viên, bài thơ thể hiện được phong cách sáng tác riêng của ông thông qua cách xây dựng thủ pháp tả thực với những hình ảnh, biểu tượng chứa đầy triết lí sâu sắc. Ông ngợi tả vùng đất Tây Bắc không chỉ qua vẻ đẹp của địa danh mà còn là mảnh đất chứa đựng bao điều hứa hẹn, là cảm hứng nghệ thuật được khởi nguồn trong ông. 
Tiếp nối thành công của “Tiếng hát con tàu”, nhà thơ Chế Lan Viên lại một lần nữa gây ấn tượng với những dòng thơ: Mai khôn lớn con theo cò đi học/ Cánh trắng cò bay theo gót đôi chân “Con cò” - (Hoa ngày thường - Chim báo bão). Quả thật, thơ của Chế Lan Viên đã thực sự hoà nhập và gần gũi hơn với quần chúng nhân dân. Ở tác phẩm “Con cò”, nhà thơ mượn cái hình ảnh quen thuộc với làng quê Việt Nam, lấy chất liệu từ những bài ca dao và dân ca nước nhà để miêu tả, gợi ca nét đẹp người phụ nữ - người mẹ; cùng với đó ca ngợi tình mẫu tử thiêng liêng. Bài thơ cũng nhanh chóng được mọi người biết đến và trở thành bài thơ tiêu biểu đại diện cho tình mẹ. 
Cuối cùng, Chế Lan Viên bày tỏ niềm kính yêu của mình đối với những người anh hùng hi sinh vì nước quên mình qua rất nhiều bài thơ của ông. “Bác vẫn còn đây” - (Đối thoại mới) là một trong những tác phẩm tiêu biểu ấy. 
Chớ để quân thù nghe ta khóc, ơi em Vết thương phải thành sẹo ngay đi mà đánh giặc Đã đau rồi đừng khóc để đau thêm Ta còn cả đời ta mà khóc Bác
Bài thơ là lời động viên mà Chế Lan Viên muốn gửi đến cho các chiến sĩ; ông hi vọng rằng mọi người đừng quá đau buồn trước cái chết của Bác mà quên đi sứ mệnh giành lại độc lập của chúng ta. Cả bài thơ “Bác vẫn ở đây”, Chế Lan Viên bày tỏ tất cả niềm tự hào, tình yêu thương và quý trọng ông giành cho Bác. Ông ngợi ca vị cha già của dân tộc, tự hứa với lòng sẽ sẵn sàng chiến đấu, bảo vệ Tổ quốc, non sông. 
Nhà thơ Trịnh Công Lộc nhận xét: "Ông đi ngược chiều với tất cả những nhà thơ đương đại cùng thời. Nếu người ta vui thì ông nói về cái buồn, nếu người ta nói về tương lai thì ông nói về quá khứ. Nhưng nói cho cùng, quá khứ ấy khắc họa hình ảnh của tương lai. Không ai như Chế Lan Viên bắt đầu từ “Điêu tàn” năm 17 tuổi. Nhưng sau này ông đi theo Cách mạng và nói về kháng chiến, nói về đất nước, đặc biệt nói về Bác Hồ, Chế Lan Viên có những bài thơ xuất sắc, có những câu thơ xuất thần mà có lẽ bây giờ thế hệ mới muốn được một số bài như Chế Lan Viên vô cùng khó.” Ta thấy được nhà thơ của chúng ta thật sự rất nổi bật và tài năng trong lĩnh vực thơ ca về cách mạng, đất nước, quê hương.
      Nói tóm lại, cái độc đáo và táo bạo trong thơ của Chế Lan Viên thật sự đặc biệt, ta có thể ví thơ của ông như một viên kim cương đen giữa hàng vạn đá quý hiếm của phong trào Thơ mới. Những “Trường thơ loạn” hay những dòng thơ gắn với nhân dân đều có giá trị nghệ thuật và đóng góp to lớn đến người dân và cả văn học Việt Nam.