Trong khoảng những tháng đầu năm 2024, một trong những series phim dài tập nổi bật được đánh giá cao nhất từ cả giới phê bình lẫn người xem là “Shogun” của đài FX, được phát hành trên các nền tảng streaming như Hulu và Disney+. Điểm đánh giá trên Rotten Tomatoes của “Shogun” đạt tới trung bình 99% từ giới phê bình và 91% từ khán giả. Điểm trên IMDb của phim cũng đạt mốc 9/10 với hơn 80 nghìn lượt bình chọn. Ngay từ những tập đầu tiên, “Shogun” đã nhanh chóng tạo được ấn tượng nhờ câu chuyện hấp dẫn, các nhân vật thú vị, khắc họa rất chính xác văn hóa Nhật Bản.
Là một series được chuyển thể dựa trên tiểu thuyết cùng tên của nhà văn James Clavell, thế nhưng câu chuyện của “Shogun” không hoàn toàn là hư cấu. James Clavell đã mượn phông nền lịch sử cuối thời kỳ Chiến Quốc ở Nhật Bản để tạo ra câu chuyện và các nhân vật của mình. Như thế đương nhiên có nghĩa là những tình tiết của “Shogun” ít nhiều được xây dựng từ những gì đã xảy ra, các nhân vật của “Shogun” cũng ít nhiều lấy cảm hứng từ những nhân vật lịch sử thật sự.
Vậy thì cái nền lịch sử cho câu chuyện của “Shogun” ra sao? Những nhân vật lịch sử nào đã tạo cảm hứng cho Yoshii Toranaga, cho John Blackthorne, cho Toda Mariko hay Kashigi Yabushige? Và cuối cùng, điều gì sẽ xảy ra sau cái kết của "Shogun"?

Các nhân vật và sự kiện lịch sử đằng sau bộ phim “Shogun”

Trước tiên, chúng ta hãy tìm hiểu về cái nền lịch sử đằng sau các sự kiện và nhân vật chính của bộ phim.
John Blackthorne: Một trong những nhân vật chính của “Shogun”, là một hoa tiêu người Anh trên con tàu Erasmus. Tàu Erasmus thuộc một hạm đội Hà Lan và có nhiệm vụ tìm đường đến Nhật Bản - vương quốc giao thương bí mật ở phương Đông bị Bồ Đào Nha giấu kín.
John Blackthorne, do Cosmo Jarvis thủ vai
John Blackthorne, do Cosmo Jarvis thủ vai
Nhân vật Blackthorne được lấy cảm hứng từ William Adams (1564 - 1620), hay còn được gọi là Miura Anjin (nghĩa là “Hoa tiêu của Miura”). Cũng như Blackthorne, William Adams cũng là một hoa tiêu người Anh trên con tàu Hà Lan có tên Liefde.
Tàu Liefde cùng bốn tàu khác ra khơi từ Rotterdam theo lệnh của một công ty thương mại (tiền thân của Công ty Đông Ấn) với nhiệm vụ đến Nhật Bản thiết lập quan hệ giao thương. Liefde là tàu duy nhất còn đủ lành lặn tới được Kyushu vào tháng 4 năm 1600 sau chuyến hải trình khốc liệt. Khi ra khơi, thủy thủ đoàn trên tàu Liefde có hơn 100 người, nhưng khi tới được Nhật Bản, chỉ còn 23 người ốm yếu và hấp hối, mà chỉ có 9 người trong số ấy là còn đứng vững được. Ban đầu, thủy thủ đoàn của tàu Liefde được đối xử khá tử tế, nhưng rồi các giáo sĩ Bồ Đào Nha làm thông dịch viên đã buộc tội họ là hải tặc. Vì thế thủy thủ đoàn đã bị tống vào ngục, còn tàu Liefde thì bị tịch thu.
Mấy ngày sau đó, William Adams được đưa đến Osaka theo lệnh của Tokugawa Ieyasu, vị lãnh chúa quyền lực nhất trong Hội đồng Ngũ Đại Lão đang Nhiếp chính. Adams được gặp Ieyasu tổng cộng 3 lần trong 2 tháng. Ieyasu tỏ ra hứng thú với những kiến thức về tàu thuyền và hàng hải của Adams; do đó ông cũng liên tục từ chối thỉnh cầu của các giáo sĩ Bồ Đào Nha về việc xử tử Adams cùng thủy thủ đoàn. Cuối cùng, Ieyasu đưa ra lời đề nghị cho Adams rằng hãy phò tá ông để đổi lấy sự tự do của thủy thủ đoàn tàu Liefde. Adams đồng ý và từ đó phụ giúp Ieyasu trong những vấn đề về tàu thuyền, giao thương.
Tranh vẽ William Adams, nguyên mẫu của nhân vật John Blackthorne
Tranh vẽ William Adams, nguyên mẫu của nhân vật John Blackthorne
Cùng với việc Ieyasu từng bước thâu tóm quyền lực tại Nhật Bản và thành lập Mạc phủ Tokugawa, Adams cũng dần được tín nhiệm nhiều hơn. Đến năm 1605 thì ông được phong làm samurai và là một hatamoto của Ieyasu (tức là chư hầu trực tiếp của ông). Ông được ban cho lãnh địa làm thái ấp và có thu nhập hàng năm vào khoảng 250 thạch gạo (đây là cách tính thu nhập của Nhật Bản trung đại, trong đó 1 thạch = khoảng 15kg, tức là vùng đất ấy mỗi năm có thể thu về khoảng 3,75 tấn gạo).
Mặc dù về sau được phép trở về Anh, nhưng Adams quyết định ở lại Nhật Bản. Ông đóng góp nhiều trong việc thiết lập giao thương bền vững giữa Nhật Bản và Hà Lan. Và thực tế là khi Mạc phủ ban bố chính sách bế quan tỏa cảng, ngừng giao thiệp với các nước châu Âu thì họ vẫn tiếp tục duy trì buôn bán với Hà Lan. William Adams mất năm 1620 tại Nagasaki, và đến nay vẫn được xem là người châu Âu có ảnh hưởng bậc nhất tại Nhật Bản cuối thời Chiến Quốc và đầu thời Mạc phủ Tokugawa.
Yoshii Toranaga: Lãnh chúa vùng Kanto, được xây dựng dựa trên Tokugawa Ieyasu - người đã sáng lập ra Mạc phủ Tokugawa.
Yoshii Toranaga, do Hiroyuki Sanada thủ vai
Yoshii Toranaga, do Hiroyuki Sanada thủ vai
Ieyasu vốn có tên gốc là Matsudaira Takechiyo, con trai của Lãnh chúa Hirotada vùng Mikawa. Gia tộc Matsudaira vốn là một chi của gia tộc Minamoto (một trong các chi họ của Thiên Hoàng). Ông tổ của nhà Matsudaira là Minamoto no Yoshishige đã từng cùng anh họ là Yoritomo khởi binh đánh gia tộc Taira và lập nên chính quyền Mạc phủ đầu tiên ở Kamakura. Con trai thứ 4 của Yoshishige là Yoshisue về sau định cư ở vùng Tokugawa thuộc tỉnh Kozuke và lấy tên vùng đất làm họ của mình. Đến đời thứ 8 thì gia tộc suy yếu sau cuộc chiến với gia tộc Ashikaga nên họ chuyển tới sống ở vùng Matsudaira thuộc tỉnh Mikawa và đổi họ. Phải đến đời Ieyasu khi ông đã trở thành một lãnh chúa hùng mạnh dưới quyền Oda Nobunaga thì mới được Thiên Hoàng cho phép lấy lại họ cũ là Tokugawa vào năm 1567.
Ieyasu là một trong những chư hầu quan trọng và mạnh nhất của Nobunaga. Khi một chư hầu khác là Akechi Mitsuhide làm phản và giết Nobunaga năm 1582, nhà Oda bị chia rẽ và suy yếu. Đây chính là sự kiện được nhắc qua trong “Shogun”. Trên phim, cha của Mariko là Akechi Jinsai đã làm phản và giết chết lãnh chúa Kuroda Nobuhisa - cha của Ochiba. Sự kiện này chính được lấy cảm hứng từ cái chết của lãnh chúa Nobunaga trong lịch sử.
Sau khi nhà Oda suy yếu, Ieyasu quyết định đứng ngoài cuộc chiến giành quyền lực giữa Hashiba Hideyoshi và Shibata Katsuie - hai chư hầu mạnh nhất của Nobunaga bên cạnh Ieyasu. Thế nhưng sau khi Hideyoshi thắng trận, Ieyasu lại mạo hiểm khi ủng hộ một người con của Nobunaga chống lại Hideyoshi. Cuộc chiến giữa hai phe kéo dài dai dẳng và cuối cùng Hideyoshi quyết định giảng hòa với Ieyasu để tập trung tiêu diệt các thế lực cát cứ khác.
Tranh vẽ Tokugawa Ieyasu, nguyên mẫu của nhân vật Toranaga
Tranh vẽ Tokugawa Ieyasu, nguyên mẫu của nhân vật Toranaga
Năm 1590 diễn ra một sự kiện quan trọng bậc nhất với cả sự nghiệp của Ieyasu. Đó là năm Hideyoshi khởi đại binh đánh dẹp thế lực lớn mạnh cuối cùng còn cát cứ là nhà Hojo ở vùng Kanto. Hideyoshi cho quân vây hãm thành Odawara của nhà Hojo và tòa thành thất thủ sau 6 tháng. Cũng trong cuộc vây hãm, Hideyoshi đưa ra một lời đề nghị khá kỳ lạ cho Ieyasu. Đó là đổi 5 tỉnh mà Ieyasu đang làm chủ gồm quê hương Mikawa, Totomi, Shinano, Suruga và Kai ở gần vùng trung tâm Nhật Bản lấy 8 tỉnh vùng Kanto ở phía đông của nhà Hojo.
Cuối cùng, Ieyasu quyết định mạo hiểm đồng ý khi rời bỏ căn cơ lâu đời của gia tộc để chuyển tới vùng đất mới thu phục nhưng có nhiều tiềm năng phát triển và mở rộng hơn. Lịch sử đã chứng minh quyết định của Ieyasu là thiên tài khi ông nhanh chóng phát triển thế lực của mình ở Kanto. Ieyasu đã thiết lập thành Edo giàu mạnh (chính là tiền thân của Tokyo hiện nay) và chỉ trong vài năm đã trở thành lãnh chúa hùng mạnh thứ hai Nhật Bản, chỉ kém chính Hideyoshi mà thôi.
Khi Hideyoshi qua đời năm 1598, ông đã chọn Ieyasu cùng bốn lãnh chúa hùng mạnh khác vào Hội đồng Ngũ Đại Lão để nhiếp chính cho con trai Hideyori còn nhỏ. Đây là biện pháp của Hideyoshid để tránh cho Ieyasu độc bá chiếm quyền, nhưng tiếc rằng cuối cùng vẫn không thể thay đổi gì. Ieyasu dần loại bỏ, lôi kéo các địch thủ; cuối cùng thắng trận chiến quyết định ở Sekigahara năm 1600 và lật đổ hoàn toàn thế lực của Hideyoshi đã dày công kiến lập. Năm 1603, Ieyasu được phong làm Chinh Di Đại Tướng Quân, chính thức kiến lập Mạc phủ Tokugawa. Dù ông đã nhường chức vị cho con trai Hidetada vào năm 1605 nhưng Ieyasu vẫn là người cai trị thực tế cho đến tận khi qua đời năm 1616.
Thái Cáp (Taiko) Nakamura Hidetoshi: là người thống nhất Nhật Bản nhưng đã qua đời hơn một năm trước các sự kiện của “Shogun”. Nhân vật này được xây dựng dựa trên Toyotomi Hideyoshi.
Bộ giáp của Thái Cáp trên phim, nguyên mẫu chính là bộ giáp của Toyotomi Hideyoshi ngoài đời
Bộ giáp của Thái Cáp trên phim, nguyên mẫu chính là bộ giáp của Toyotomi Hideyoshi ngoài đời
Khác với nhiều thế lực quân phiệt thời ấy, Hideyoshi không thuộc dòng dõi samurai mà ông gốc vốn là nông dân. Do đó, ông vốn không có họ và mãi sau này mới lấy tên là Hashiba Hideyoshi. Ông phò tá Nobunaga trong nhiều năm và dần trở thành một trong những tướng lĩnh đáng gờm nhất dưới trướng gia tộc Oda.
Sau cái chết bất ngờ của Nobunaga tại Kyoto năm 1582, Hideyoshi tiêu diệt kẻ phản bội Akechi Mitsuhide ngay sau đó. Ông đánh bại các thế lực khác trong nội bộ nhà Oda, thu lấy quyền lực về tay. Đến năm 1583 thì Hideyoshi bắt đầu cho khởi công xây dựng thành Osaka - tòa thành trong mơ của ông. Thành này mất tới gần 15 năm mới thực sự hoàn tất và nó trở thành một trong những cứ điểm phòng thủ mạnh nhất Nhật Bản thời ấy. Cũng trong năm 1583, Hideyoshi giao chiến với địch thủ đáng gờm nhất là Ieyasu và cuối cùng cả hai quyết định giảng hòa sau nhiều trận chiến giằng co không hồi kết. Sau đó, Ieyasu đồng ý quy thuận và trở thành chư hầu của Hideyoshi.
Khi đã xây dựng được thế lực hùng mạnh, Hideyoshi rất muốn được phong làm Chinh Di Đại Tướng Quân để kiến lập Mạc phủ và thực sự trở thành người cai trị Nhật Bản. Mạc phủ bấy giờ đang thuộc về gia tộc Ashikaga, nhưng họ vốn đã không còn quyền lực từ lâu. Tướng Quân hiện tại là Ashikaga Yoshiaki thì cũng đã bị Nobunaga buộc phải rời Kyoto từ năm 1573. Hideyoshi vì thế rất muốn được phong làm Tướng Quân mới nhưng Thiên Hoàng không đồng ý. Ông tìm cách khác khi thỉnh cầu Yoshiaki nhận mình làm con nuôi nhưng bị từ chối.
Tranh vẽ Toyotomi Hideyoshi, nguyên mẫu cho nhân vật Thái Cáp trên phim
Tranh vẽ Toyotomi Hideyoshi, nguyên mẫu cho nhân vật Thái Cáp trên phim
Không thể trở thành Tướng Quân, Hideyoshi xin làm con nuôi của Konoe Sakihisa - người gần nhất nắm chức Quan Bạch (tức là Nhiếp chính cho Thiên Hoàng). Gia tộc Konoe vốn là một chi của dòng họ Fujiwara - gia tộc đời đời nắm các vị trí Nhiếp chính, nên vào năm 1585 Hideyoshi cũng được phong làm Quan Bạch. Đến năm 1586, ông được Thiên Hoàng ban cho họ mới là Toyotomi.
Trên thực tế thì Hideyoshi là người cai trị cả Nhật Bản và thống lĩnh toàn bộ võ sĩ trong thiên hạ. Thế nhưng do không được phong Tướng Quân nên ông không thể kiến lập Mạc phủ. Do đó, quyền lực của ông vẫn không thật sự vững mạnh và luôn phải đối mặt với sự đe dọa từ các gia tộc đối địch, đặc biệt là thế lực của Tokugawa Ieyasu.
Trong thời kỳ cai trị của mình, Hideyoshi cũng đã hai lần phát động chiến tranh xâm lược Triều Tiên vào năm 1591 và năm 1597. Cả hai cuộc chiến cuối cùng đều thất bại và nó ảnh hưởng khá lớn đến vị thế cũng như sức mạnh của ông và các gia tộc trung thành. Một vấn đề đau đầu nữa là ông không có người kế vị trực tiếp sau cái chết của đứa con mới 3 tuổi Tsurumatsu và em khác mẹ năm 1591. Hideyoshi đành nhận cháu họ Hidetsugu làm con nuôi và người kế vị. Ông nhường chức Quan Bạch cho Hidetsugu năm 1592 và được tôn làm Thái Cáp (từ chỉ một Quan Bạch đã về hưu).
Tuy nhiên, đến năm 1593 người thiếp duy nhất của sinh thêm được một con trai là Hideyori. Vấn đề kế vị trở nên phức tạp, cho nên Hideyoshi đã tìm cách lưu đày Hidetsugu và cuối cùng ép anh tự sát năm 1595. Đến năm 1598, sức khỏe của Hideyoshi ngày càng suy yếu trong khi con trai còn nhỏ. Ông quyết định thành lập Hội đồng Ngũ Đại Lão gồm năm lãnh chúa quyền lực nhất để nhiếp chính cho con trai. Hideyoshi mong muốn thể chế này sẽ khiến các Đại Lão kiềm chế lẫn nhau, khiến không một ai có thể độc bá nắm quyền. Thế nhưng chỉ ít lâu sau khi Hideyoshi qua đời, lãnh chúa hùng mạnh nhất là Ieyasu đã ra sức thâu tóm quyền lực. Cuối cùng, Ieyasu thắng lợi sau khi đánh bại các lực lượng ủng hộ gia tộc Toyotomi trong trận Sekigahara năm 1600.
Ishido Kazunari: địch thủ chính của Toranaga trong Hội đồng Ngũ Đại Lão. Nhân vật này được xây dựng dựa trên Ishida Mitsunari, cận thần trung thành của Toyotomi Hideyoshi.
Ishido Kazunari, do Takehiro Hira thủ vai
Ishido Kazunari, do Takehiro Hira thủ vai
Khác với phim, Ishida Mitsunari không thuộc Hội đồng Ngũ Đại Lão mà là thủ lĩnh các pháp quan dưới quyền. Tuy vậy, Mitsunari vẫn thường được xem là đại diện cho gia tộc Toyotomi do lòng trung thành của mình với Hideyoshi. Và thực tế ông cũng đã nỗ lực tìm cách để chống lại tầm ảnh hưởng của Ieyasu. Khi xung đột bùng phát thành chiến tranh, Mitsunari đã đứng ra kêu gọi các lãnh chúa trung thành với Hideyoshi tham chiến chống lại Ieyasu. Nhưng cuối cùng phe trung thành với gia tộc Toyotomi đã thất bại, Mitsunari bị bắt và bị xử tử, quyền lực rơi vào tay của Ieyasu.
Toda Mariko: thuộc hạ của Toranaga và là người phiên dịch cho Blackthorne được xây dựng dựa trên Hosokawa Gracia.
Toda Mariko, do Anna Sawai thủ vai
Toda Mariko, do Anna Sawai thủ vai
Bà sinh năm 1563, có tên khai sinh là Akechi Tama, là con gái của Akechi Mitsuhide. Bà kết hôn với Hosokawa Tadaoki năm 16 tuổi. Sau khi Mitsuhide làm phản và giết Nobunaga, bà bị gán mác là con gái kẻ phản bội. Vì không muốn ly hôn nên Tadaoki đã gửi bà đến một thôn nhỏ ở xa. Bà ở đây đến năm 1584, sau đó được Hideyoshi triệu về Osaka và sống trong quản thúc ở đó.
Năm 1587, bà được rửa tội và nhận tên Thiên Chúa giáo là “Gracia”. Trước trận Sekigahara năm 1600, Ishida Mitsunari có ý định muốn bắt Gracia làm con tin do chồng bà là Tadaoki theo phò tá Ieyasu. Nhưng khi người của Mitsunari định xông vào dinh thự thì samurai của gia tộc là Ogasawara Shosai đã giết Gracia để tránh cho bà rơi vào tay địch. Shosai sau đó châm lửa đốt cả dinh thự và cũng tự sát theo chủ. Cái chết của bà càng khiến danh tiếng của Mitsunari thêm tệ hại và góp phần khiến nhiều lãnh chúa có ý muốn ngả theo Ieyasu quyết tâm đổi phe.
Kashigi Yabushige: Lãnh chúa Izu, một trong những chư hầu của Toranaga; được xây dựng dựa trên Honda Masanobu, chư hầu của Tokugawa Ieyasu. Khác với Yabushige trên phim, Masanobu trong lịch sử là một chư hầu tận tụy và trung thành của Ieyasu. Ông phục vụ trong Mạc phủ đến khi qua đời năm 1616, sau Ieyasu chỉ vài tuần.
Kashigi Yabushige, do Tadanobu Asano thủ vai
Kashigi Yabushige, do Tadanobu Asano thủ vai
Phu nhân Ochiba: người thiếp của Thái Cáp và là mẹ thân sinh của Thiếu chủ Yaechiyo được xây dựng dựa trên Phu nhân Chacha, thiếp của Hideyoshi.
Phu nhân Ochiba, do Fumi Nikaido thủ vai
Phu nhân Ochiba, do Fumi Nikaido thủ vai
Bà vốn có tên là Azai Chacha, và là cháu gái của Oda Nobunaga. Năm 1570, cha bà phá vỡ liên minh với Nobunaga và đến năm 1573 thì bị tiêu diệt; nhưng trước đó bà cùng mẹ và hai chị em gái đã rời thành theo lệnh của Nobunaga. Sau khi Nobunaga bị hại năm 1582, mẹ bà tái hôn với một chư hầu hùng mạnh của nhà Oda là Shibata Katsuie. Tuy nhiên, Katsuie thất bại trong cuộc chiến với Hideyoshi. Khi thành bị phóng hỏa, mẹ bà quyết định ở lại chết cùng chồng và chỉ cho người đưa các con gái mình đi trốn.
Chacha và hai chị em gái sau đó được Hideyoshi bảo hộ và sống khá yên bình tại Osaka. Khi lớn lên, Chacha nổi tiếng có sắc đẹp và quyến rũ nên Hideyoshi đã nạp bà làm thiếp. Bà sinh cho Hideyoshi hai con trai là Tsurumatsu (chết yểu lúc mới 3 tuổi) và Hideyori (là hình tượng gốc cho nhân vật thiếu chủ Yaechiyo trong phim). Sau trận Sekigahara, bà ở lại cùng con trai Hideyori tại Osaka và trong nhiều năm liền mưu đồ khôi phục quyền lực cho gia tộc Toyotomi. Tuy vậy, cuối cùng những nỗ lực ấy cũng không thành, khi Osaka thất thủ trong cuộc vây hãm mùa hè năm 1615, cả bà lẫn con trai Hideyori đều tự vẫn, gia tộc Toyotomi sụp đổ hoàn toàn.
Ngoài ra, hầu hết các nhân vật phụ khác cũng đều được xây dựng dựa trên các nhân vật lịch sử, nhưng do cũng không quá quan trọng với nội dung của bài nên mình sẽ không liệt kê ra nữa.
Và như đã nói, bên cạnh các nhân vật thì sự kiện trong “Shogun” cũng dựa trên lịch sử, chúng ta đã thấy điều đó được khắc họa khá rõ trong phim - từ các sự kiện trong quá khứ, đến hiện tại và hẳn là cả tương lai nữa. Sự kiện cha của Mariko là Akechi Jinsai phản bội và giết chết chúa công của mình là Kuroda Nobuhisa được dựa trên việc Akechi Mitsuhide phản bội Oda Nobunaga. Lãnh chúa Nakamura Hidetoshi sau đó nắm quyền và trở thành người cai trị Nhật Bản rồi lên làm Thái Cáp. Những việc này trong phim tuy không được nhắc đến, nhưng quá trình ấy cũng dựa trên việc Hideyoshi nắm quyền trong lịch sử. Rồi việc Thái Cáp qua đời trong khi người kế vị còn nhỏ tuổi nên ông thành lập Hội đồng Ngũ Đại Lão để nhiếp chính cũng là sự kiện có thật. Những đấu đá chính trị và mâu thuẫn giữa Toranaga và Ishido trong Hội đồng đều được dựa trên bất hòa giữa Ieyasu và Mitsunari trong lịch sử.
Và cuối cùng, sự kiện quan trọng nhất đánh dấu điểm mấu chốt trong cuộc tranh giành quyền lực chính là trận đánh quyết định giữa hai phe của Toranaga và Ishido - trận Sekigahara. Đương nhiên, sự kiện này cũng được dựa trên trận chiến Sekigahara lừng danh diễn ra vào tháng 10 năm 1600 giữa Đông quân của Ieyasu và Tây quân của Mitsunari. Tuy nhiên, phim đã kết thúc trước khi trận đánh ấy diễn ra. Toranaga thì cũng mới chỉ nói cho Yabushige về những điều mà ông tin rằng sẽ xảy ra mà thôi.
Mình đã viết một bài riêng về trận Sekigahara rồi, các bạn có thể đọc tại đây:
Còn nói một cách vắn tắt thì trong trận Sekigahara, phe Đông quân của Ieyasu đã thắng lợi hoàn toàn. Thế lực ủng hộ nhà Toyotomi sụp đổ, Ishida Mitsunari thì bị bắt rồi xử tử. Các lãnh chúa trung thành khác với nhà Toyotomi thì hoặc tự sát, hoặc phải trốn chạy; và nếu đầu hàng thì cũng bị thu hẹp quyền lực đáng kể.
Với kết quả này, không ai còn đủ sức mạnh để ngăn cản Ieyasu nắm quyền nữa. Thiên hạ giờ đây cũng đã chẳng còn thuộc về gia tộc Toyotomi nữa. Con trai của Hideyoshi là Hideyori vẫn được làm chủ thành Osaka và một số tỉnh lân cận, nhưng chỉ có như vậy mà thôi. Việc Ieyasu trở thành Tướng Quân - thủ lĩnh võ sĩ toàn thiên hạ và là người cai trị Nhật Bản trên thực tế - chỉ còn là vấn đề thời gian. Nhưng còn số phận ấu chúa Hideyori và gia tộc Toyotomi thì sao? Chuyện gì đã xảy ra với họ?

Hậu Sekigahara - Tokugawa nắm quyền

Sau trận Sekigahara, Ieyasu trở thành lãnh chúa hùng mạnh nhất toàn Nhật Bản. Năm 1603, ông được Thiên Hoàng phong làm Chinh Di Đại Tướng Quân, chính thức mở đầu cho Mạc phủ Tokugawa. Hai năm sau, ông thoái vị và nhường chức Tướng Quân cho con trai Hidetada, nhưng vẫn nắm trọn thực quyền. Thành Edo của Ieyasu cũng trở thành trung tâm kinh tế và quân sự của Nhật Bản.
Trong khi đó, Hideyori dù đã mất phần lớn đất đai được kế thừa từ Hideyoshi, nhưng vị thiếu chủ của gia tộc Toyotomi vẫn làm chủ thành Osaka và nhiều tỉnh giàu có lân cận. Do đó, Toyotomi vẫn là một gia tộc giàu có với thu nhập khoảng 65 vạn thạch gạo một năm (tức tương đương khoảng 9750 tấn gạo). Tuy vậy, Hideyori bị giam lỏng trong thành Osaka, không được tự ý rời khỏi đây và phải kết hôn với con gái Ieyasu năm 1603 để tỏ lòng trung thành với Mạc phủ mới.
Trong những năm này, Ieyasu dường như không quá lo lắng về Hideyori khi có nhiều tin đồn từ Osaka cho thấy cậu chỉ là một đứa bé tư chất tầm thường, không thể đảm đương việc lớn. Đến năm 1611 khi Hideyori tròn 18 tuổi, cậu mới được rời Osaka và đã đàm đạo với Ieasy suốt một canh giờ liền. Trái ngược hoàn toàn với lời đồn, Hideyori rất có phong thái và biết cách ứng xử. Hóa ra mọi tin đồn về việc Hideyori kém cỏi chỉ là đòn hỏa mù do giám hộ của cậu là Katagiri Katsumoto truyền ra để bảo vệ ấu chúa đến khi trưởng thành.
Di tích ngày nay của lâu đài Osaka
Di tích ngày nay của lâu đài Osaka
Sự đĩnh đạc của Hideyori phần nào khiến Ieyasu bất ngờ, nhưng điều thực sự làm ông lo ngại chính là sự giàu có của gia tộc Toyotomi được tích lũy qua hơn 20 năm từ thời Hideyoshi. Đúng lúc này thì xảy ra chuyện bài thơ trên chuông chùa Hoko và nó đã tạo cho Ieyasu cái cớ để tỏ thái độ thù địch với Hideyori.
Số là sinh thời Hideyoshi từng có nguyện vọng dựng lại pho tượng Đại Phật ở chùa Hoko tại Kyoto. Pho tượng này ông từng cho đúc năm 1587 nhưng bị phá hủy sau trận động đất năm 1596. Ieyasu cũng từng khuyên mẹ con Hideyori nên đứng ra tôn tạo lại chùa và dựng lại tượng để an ủi vong linh của Hideyoshi. Việc đúc tượng bắt đầu năm 1608 và hoàn thành năm 1612, cần tới 10 vạn nhân công và ngốn một lượng lớn trong gia tài của gia tộc Toyotomi. Bên cạnh tượng Đại Phật, gia tộc Toyotomi cũng cho đúc thêm một quả chuông đồng nặng 72 tấn. Khi quả chuông hoàn thành vào năm 1614, Hideyori cho mời Ieyasu và Hidetada đến chủ trì lễ khai quang điểm nhãn tượng.
Tám chữ "Quốc gia an khang" và "Quân thần phong lạc" trên chuông chùa Hoko tại Kyoto
Tám chữ "Quốc gia an khang" và "Quân thần phong lạc" trên chuông chùa Hoko tại Kyoto
Thế nhưng buổi lễ này đã không bao giờ diễn ra, nguyên nhân nằm ở bài thơ tứ ngôn được khắc trên chiếc chuông. Trong bài thơ ấy có câu “Quốc gia an khang”, từ “gia”“khang” phát âm theo tiếng địa phương có thể đọc là “ie”“yasu”; do đó Ieyasu cho rằng câu thơ này xúc phạm đến mình khi viết tách tên húy của ông. Hai câu khác là “Quân thần phong lạc; Tử tôn an xương” thì Ieyasu cho rằng có ẩn ý là “Nếu Toyotomi làm chúa, con cháu sẽ hưng thịnh” bởi hai chữ “thần phong” viết ngược lại là “phong thần” - tức âm Hán của Toyotomi.
Trên chuông cũng còn khắc sáu chữ “Hữu bộc xạ nguyên triều thần”. Trong sáu chữ ấy, “nguyên triều thần” là âm Hán của Minamoto no Ason - tức họ gốc của gia tộc Tokugawa. “Hữu bộc xạ” thì là một chức quan quyền ngang Tể tướng, mà Hideyori bấy giờ đang giữ chức Hữu đại thần; nên Ieyasu cho rằng sáu chữ này có hàm ý là “Hideyori bắn Ieyasu”.
Ngoài ra, trong bài thơ còn có một đoạn như sau:
Đông nghênh tố nguyệt, Tây tống tà dương, Ngọc duẩn quật địa, Phong sơn hàng sương. Tạm dịch nghĩa: Đông đón ánh trăng thanh, Tây tiễn ánh tà dương, Măng non vươn từ đất, Sương sa khắp núi non.
Bốn câu này có thể được giải nghĩa là: Đông ám chỉ vùng Kanto, theo âm Hán là Quan Đông. Ở nơi ấy có thành Edo của Ieyasu, tức ám chỉ Mạc phủ Tokugawa. Tây ám chỉ vùng Kansai, tức là Quan Tây; nơi ấy có thành Osaka và tượng trưng cho gia tộc Toyotomi. Đông đón ánh trăng biểu thị âm khí, hay tà ác; Tây tiễn ánh dương biểu thị dương khí, tức chính nghĩa. Tựu trung, bốn câu này ám chỉ Toyotomi mới là chính danh, còn Tokugawa chỉ là kẻ tiếm loạn.
Vì những lý do trên, Ieyasu lấy đó làm cái cớ để tỏ thái độ thù địch với Hideyori, bất chấp mọi nỗ lực hòa giải của Katagiri Katsumoto. Mọi chuyện dần leo thang khi vào tháng 9 năm 1614 có tin báo rằng một lượng lớn ronin (tức các samurai vô chủ) đều đang đi về Osaka. Katsumoto đề xuất gửi Phu nhân Chacha tới Edo làm con tin để hòa giải với Mạc phủ, nhưng bà thẳng thừng từ chối. Việc này cũng khiến Chacha nghi ngờ Katsumoto, nên bà đã đuổi ông cùng một số thuộc hạ khỏi Osaka. Katsumoto sau đó liền đến đầu quân cho Mạc phủ. Hành động này khiến mọi cơ hội hòa giải với Mạc phủ tiêu tan và chiến tranh là điều không thể tránh khỏi.

Chiến dịch vây hãm Osaka mùa đông năm 1614

Tính đến đầu tháng 10 năm 1614, đã có hơn 50 lãnh chúa lớn nhỏ tuyên thệ trung thành với Mạc phủ. Ngày 21 cùng tháng, Ieyasu đến thành Sunpu hội kiến với lãnh chúa Ikeda Toshitaka. Ông lệnh cho Toshitaka đem quân đến đóng tại thành Amagasaki cách Osaka không xa về phía tây. Kế hoạch của Ieyasu là để các lãnh chúa có lãnh địa lân cận với Osaka đem quân đóng giữ các vị trí chiến lược, cô lập thành này. Đến tháng 12, đại quân của Mạc phủ đã tới vùng Kansai mà không gặp nhiều trở ngại và Ieyasu bắt đầu triển khai việc vây hãm thành Osaka.
Về phía Toyotomi thì từ sau sự kiện chùa Hoko, Hideyori cũng lập tức cho chuẩn bị để đối mặt với chiến tranh. Mặc dù không một lãnh chúa nào trực tiếp ủng hộ, nhưng Hideyori đã chiêu mộ được một lượng lớn ronin. Chỉ trong một tháng, đã có hơn 9 vạn ronin tập trung tại Osaka; trong đó có cả những nhân vật lẫy lừng như Chosokabe Morichika, Goto Mototsugu, Mori Katsunaga và đặc biệt là Sanada Nobushige.
Dù Osaka được coi là tòa thành kiên cố nhất Nhật Bản thời bấy giờ, nhưng Sanada Nobushige vẫn cố gắng nâng cao khả năng phòng thủ bằng cách xây dựng một loạt công sự xung quanh lâu đài. Ông còn huy động hàng vạn người ngày đêm đào bới nối kênh đào Ikutama ở phía Tây và sông Nekoma ở phía Đông; tạo thành một con hào rộng khoảng 73 mét và sâu gần 11 mét bao quanh vòng tường ngoài. Ông cũng cho dựng một tòa thành nhỏ hình bán nguyệt nằm cạnh cổng Nam thành Osaka - cứ điểm phòng thủ này được gọi là Sanada-maru.
Sanada Nobushige, tướng lĩnh của quân Toyotomi
Sanada Nobushige, tướng lĩnh của quân Toyotomi
Khi quân Mạc phủ dần tiến về Osaka và khép chặt vòng vây, phe Toyotomi có hai lựa chọn. Một là chủ động xuất quân đánh phá các vị trí vây hãm của kẻ địch nhân lúc đại quân Mạc phủ chưa tề tựu đông đủ. Hai là cố thủ trong thành, lợi dụng sự kiên cố của Osaka để chống lại quân Mạc phủ đông hơn. Dù cả Nobushige lẫn Mototsugu đều khuyên nên chủ động xuất quân, Hideyori vẫn quyết định án binh bất động. Do đó, quân Mạc phủ dễ dàng tiếp cận và lập thế trận vây hãm Osaka.
Ngày 19 tháng 12 năm 1614, 3000 quân Mạc phủ tấn công một tòa thành nhỏ nằm ở cửa sông Kizu và hạ được thành này. Những ngày tiếp đó, Mạc phủ tập trung tấn công vào phía Đông Bắc thành Osaka. Ngày 26 tháng 12, Uesugi Kagekatsu dẫn 5000 quân Mạc phủ tiến đánh một tòa thành ở Shigeno. Quân thủ thành sau đó tiến hành phản công, khiến Kagekatsu buộc phải lui binh. Cùng thời điểm, 1500 quân Mạc phủ đánh bại quân Toyotomi trong trận Imafuku.
Ngày 29 tháng 12 diễn ra hai trận đánh lớn cuối cùng ở vành đai phía Bắc Osaka. Trong trận Bakuroguchi, quân Mạc phủ chiếm được công sự án ngữ tại đó. Trong trận Noda-Fukushima diễn ra ở cách đó khá xa về phía Bắc, thủy quân Mạc phủ đã đánh bại thủy quân Toyotomi do Ono Harunaga chỉ huy. Những chiến thắng này khiến gần như toàn bộ thành trì và công sự bên ngoài thành Osaka đều rơi vào tay Mạc phủ.
Quân Mạc phủ sau đó bắt đầu tập hợp lực lượng, xây dựng tháp canh, hàng rào tre, chuẩn bị cho cuộc bao vây. Cả Ieyasu lẫn con trai Hidetada đều chuyển đại bản doanh của mình tới các vị trí gần Osaka hơn.
Cuộc đụng độ lớn nhất của toàn bộ chiến dịch mùa đông diễn ra khi quân Mạc phủ đánh thành Sanada-maru do Sanada Nobushige và khoảng 7000 quân trấn giữ. Tướng Mạc phủ là Maeda Toshitsune đã cố cho quân tiếp cận thành nhưng bị thiệt hại nặng trước các họng súng hỏa mai của quân thủ thành. Trước tình hình trên, Matsudaira Tadanao và Ii Naotaka buộc phải đưa quân lên hỗ trợ Toshitsune. Hơn 1 vạn quân Mạc phủ sau đó tràn được vào thành, nhưng rồi bị đẩy lui. Ngày hôm sau, quân Mạc phủ tiếp tục tấn công và lại tràn được vào thành, để rồi tiếp tục bị đánh bật khỏi Sanada-maru. Hai bên giằng co nhiều ngày, quân Mạc phủ dù đông hơn nhiều nhưng không thể hạ được thành, mà thậm chí còn nhiều lần bị phản kích và thiệt hại nặng. Cuối cùng, Sanada-maru là cứ điểm phòng thủ duy nhất của quân Toyotomi ngoài Osaka còn trụ vững được, trong khi mọi cứ điểm khác đều đã thất thủ.
Đến tháng 1 năm 1615, nhận ra công hạ Osaka bằng vũ lực là điều cực kỳ khó khăn; Ieyasu cho lui binh và chuyển sang chiến lược pháo kích. Trong vòng 3 ngày liên tiếp, quân đội Mạc phủ tổ chức pháo kích vào lúc 10 giờ đêm và rạng sáng. Cùng lúc đó, Ieyasu cho người đào hầm dưới tường thành và dùng cung bắn thư chiêu hàng vào bên trong thành. Sau khoảng 1 tuần pháo kích mà chưa thấy Hideyori trả lời, Ieyasu cho quân bắn phá với tần suất dày hơn. Đây đơn thuần là một đòn tâm lý, bởi đạn pháo không thể xuyên thủng được các lớp tường thành cực kỳ dày và vững chãi của Osaka.
Ieyasu thậm chí còn cố chiêu hàng tướng lĩnh số một của phe Toyotomi lúc ấy là Sanada Nobushige, nhưng bị từ chối thẳng thừng. Ông chuyển sang mua chuộc người khác để mở cổng thành nhưng bị phát giác và kế hoạch thất bại. Sau hai lần cố gắng mua chuộc thất bại, Ieyasu thay đổi chiến thuật. Ông cho quân chĩa pháo bắn thẳng vào khu vực phòng ở của Phu nhân Chacha, khiến hai thị nữ tử vong. Rồi vào sáng hôm sau khi trong thành đang làm lễ tưởng niệm Hideyoshi, Ieyasu cho quân tập trung bắn vào vị trí này, suýt trúng Hideyori. Phu nhân Chacha bắt đầu hoảng loạn và yêu cầu các tướng cầu hòa với Mạc phủ.
Ngày 17 tháng 1 năm 1615, hai bên tổ chức hòa đàm bên trong Osaka. Phái đoàn Mạc phủ khẳng định rằng Ieyasu không hề có ác ý với Hideyori và sẵn sàng bỏ qua mọi chuyện. Ieyasu đảm bảo rằng ông sẽ cho phép Hideyori giữ Osaka làm thái ấp, nhưng nếu muốn có thể đổi lấy một tỉnh khác giàu có hơn. Ngoài ra, các tướng lĩnh và ronin theo phe Toyotomi đều không bị truy tội và được phép ở lại thành, những ai muốn rời đi đều sẽ được chu cấp lộ phí. Tuy nhiên, Ieyasu yêu cầu Hideyori gửi con tin để thể hiện thiện chí. 
Phu nhân Chacha lập tức yêu cầu các tướng lĩnh và cố vấn của Hideyori đồng ý giảng hòa. Sau khi nhận được tin, phía Mạc phủ yêu cầu quân Toyotomi không được cản trở họ cho người lấp hào bên ngoài Osaka. Đến ngày 21 tháng 1, Hideyori cử tướng Kimura Shigenari đến gặp Ieyasu để hoàn tất đàm phán.
Ieyasu sau đó cho người lấp hào bên ngoài thành Osaka. Thế nhưng ông bí mật ra lệnh hãy cố tình san phẳng cả vòng ngoài tường thành. Hideyori rất giận vì theo thỏa thuận thì sẽ chỉ lấp hào ngoài chứ không phá cả tường thành. Phía Mạc phủ thì đổ cho binh lính không hiểu rõ lệnh, nhưng khi ấy thì đã muộn - vòng ngoài tường thành đã bị phá dỡ và thậm chí cả hào trong cũng bị lấp. Đáp lại phía Toyotomi, Ieyasu lý luận rằng giờ hai bên đã hòa bình trở lại thì Osaka cũng chẳng cần có tường cao hào sâu để phòng thủ làm gì.
Ieyasu rời Osaka ngày 24 tháng 1 và đến triều kiến Thiên Hoàng vào ngày 28 để thông báo rằng chiến tranh đã chấm dứt. Tướng Quân đương nhiệm là Hidetada thì ở lại giám sát việc dỡ bỏ các công trình phòng thủ của Osaka và quay về Edo ngày 13 tháng 3. Thế nhưng chỉ ít lâu sau, lại có tin báo rằng các ronin lại quay về tề tựu tại Osaka và Hideyori đã cho người sửa lại tường thành, đào lại các hào. Anh biết đây chỉ là âm mưu của Ieyasu để phá bỏ lớp phòng thủ của Osaka. Và nếu Hideyori cho sửa tường thành, Ieyasu sẽ kết tội anh phá hiệp ước và cho quân tấn công. Thế nhưng thay vì ngồi yên đợi Ieyasu tung ra một mưu đồ khác, phía Toyotomi quyết định chủ động tiếp tục cuộc chiến.
Đến cuối tháng 5 năm 1615, Mạc phủ tiếp tục xuất binh đến Osaka. Cuộc chiến tiếp tục, và lần này chắc chắn sẽ không còn cơ hội để đàm phán nữa.

Chiến dịch Osaka mùa hè năm 1615

Từ tháng 4 năm 1615, Ieyasu đã nhận được tin báo về việc Hideyori tiếp tục chiêu mộ binh lính và đào lại các hào của thành Osaka. Chỉ ít lâu sau, quân Toyotomi cũng bắt đầu tấn công quân Mạc phủ ở gần Osaka. Ngày 26 tháng 5, quân hai bên giao chiến trong trận Kashii, trận đánh mở màn chiến dịch mùa hè năm 1615. Quân Toyotomi thua trận và tướng Ban Naoyuki tử trận.
Đầu tháng 6, phía Toyotomi tiếp tục xuất quân để chặn quân Mạc phủ tiến vào dọc bờ sông Yamato-gawa. Cánh quân của Goto Mototsugu và Susukida Kanesuke chạm trán với quân Mạc phủ đông hơn nhiều. Dù đã rất nỗ lực nhưng cuối cùng cả hai đều bại trận, Kanesuke tử trận còn Mototsugu thì mổ bụng tự sát tại chiến trường. Một cánh quân Toyotomi khác do Sanada Nobushige chỉ huy thì chạm trán quân Mạc phủ dưới quyền Date Masamune. Sau khi nghe tin về cái chết của Mototsugu và Kanesuke, Nobushige buộc phải rút quân quay lại Osaka.
Cũng trong hôm ấy xảy ra nhiều trận đánh khác giữa hai bên. Quân Toyotomi do Chosokabe Morichika chỉ huy đánh bại quân Mạc phủ của Todo Takadora. Một cánh quân Toyotomi khác của Kimura Shigenari thì bị quân Mạc phủ do Ii Naotaka đẩy lui. Quân Ii Naotaka sau đó chuyển sang hỗ trợ cho quân Todo Takadora và khiến quân của Chosokabe Morichika cũng phải lui về thành.
Sau một loạt trận đụng độ quy mô nhỏ ở ngoại thành Osaka, đỉnh điểm của cuộc chiến mùa hè diễn ra trong trận Tennoji. Hideyori dự định xuất quân đánh theo hai hướng để đập nát trung quân Mạc phủ. Theo đó, một cánh quân gồm 5,5 vạn người do Sanada Nobushige, Mori Katsunaga và Ono Harunaga cùng các tướng khác sẽ đón đánh chính diện quân Mạc phủ. Trong khi ấy một cánh quân khác gồm 16 nghìn người do Akashi Takenori chỉ huy sẽ vòng ra sau tập kích. Bên phía Mạc phủ thì Ieyasu và con trai Hidetada sẽ chỉ huy đại binh gồm 15 vạn người, chia làm bốn đạo quân cùng tiến đánh song song.
Kế hoạch ban đầu có vẻ phát huy tác dụng khi cánh quân chủ lực của Toyotomi dù ít hơn nhưng xông pha dũng mãnh và đẩy lui được trung quân Mạc phủ. Cả Ieyasu lẫn Hidetada đều phải thoái lui, lại gặp quân Toyotomi đánh từ phía sau nên gần như tan vỡ. Nếu theo đúng dự kiến, bấy giờ Hideyori sẽ đích thân xuất trận để cổ vũ tướng sĩ; và với tình thế lúc đó, cơ hội chiến thắng của họ là rất cao. Thế nhưng đúng lúc quan trọng thì sai sót xảy ra, một đạo quân Toyotomi quay về Osaka để hộ tống Hideyori đã vô tình mang theo mã ấn hồ lô của Toyotomi. Bởi vì ban đầu họ chỉ đem theo mã ấn để binh sĩ tưởng là Hideyori vốn đã xuất trận từ đầu, và đến lúc thích hợp mới cho người về thành hộ tống anh ra. Binh sĩ đều tưởng Hideyori có mặt, và giờ khi thấy mã ấn của gia tộc Toyotomi về thành thì đều tưởng Hideyori rút chạy nên rúng động. Thêm nữa, trong thành Osaka bấy giờ bỗng có đám cháy, khói bốc ra làm binh sĩ trên chiến trường tưởng thành thất thủ. Quân Mạc phủ thấy vậy bèn xốc lại tinh thần và quay lại chiến đấu. Với số lượng đông đảo, cộng với tinh thần quân Toyotomi nao động nên cuối cùng quân Mạc phủ giành lại được trận thế. Quân Toyotomi dần thất thế, các tướng lĩnh quan trọng nhất như Sanada Nobushige hay Mori Matsunaga cũng đều tử trận cả.
Khi quân Toyotomi trên chiến trường đã vỡ trận và tháo lui hoàn toàn, Ieyasu bèn cho quân áp sát Osaka và pháo kích dữ dội. Nhiều nơi trong thành trúng đạn và bốc cháy, trong thành lại thiếu quân phòng thủ; nên dần dần cả Osaka chìm trong lửa. Nhận thấy mọi thứ đã chấm dứt, Hideyori và mẹ là Phu nhân Chacha đều mổ bụng tự sát. Nhiều thuộc hạ khác của gia tộc Toyotomi cũng tự sát theo. Người con trai duy nhất của Hideyori là Kunimatsu mới lên 8 tuổi thì bị bắt, rồi sau đó bị giải về kinh thành Kyoto để chém đầu. Con gái của Hideyori thì được tha mạng, nhưng phải xuất gia. Gia tộc Toyotomi hoàn toàn sụp đổ, và quyền lực của Mạc phủ Tokugawa được đảm bảo một cách vững vàng và kéo dài trong suốt hơn 200 năm sau đó.
Đó chính là hồi kết của gia tộc Toyotomi, và cũng là đoạn kết thực sự cho hơn trăm năm loạn lạc thời Chiến Quốc.

Kết

Có thể nói không ngoa rằng "Shogun" thực sự là một hiện tượng đầu năm 2024. Chưa kể đến cốt truyện và các tình tiết được xây dựng hấp dẫn, cuốn hút thì điểm đáng khen nhất của phim chính là sự chân thật đến hết mức có thể của đội ngũ thực hiện. Từ những thứ dễ thấy như phục trang, khung cảnh đến những chi tiết nhỏ nhặt như cách nói năng, đi đứng; "Shogun" đều gây ấn tượng và thể hiện rõ sự trau chuốt trong việc thể hiện văn hóa Nhật Bản. Rõ ràng đây là một tín hiệu đáng mừng, và có lẽ sẽ là bước đệm để các series lịch sử taiga hay các bộ phim jidaigeki đậm chất nội địa Nhật Bản và có quy mô câu chuyện lớn hơn nhiều lần "Shogun" bước ra thị trường thế giới.
Và dĩ nhiên, với cả những người yêu thích lịch sử, "Shogun" chắc chắn đã thành công trong việc tạo cảm hứng để tìm hiểu thêm về những gì đã thực sự xảy ra.