Cuốn sách đầu tiên được kết thúc tại nước ngoài
Trên chuyến xe từ HuaHin về Bangkok, “Ngôi thứ nhất số ít” đã trở thành một người đồng hành lý tưởng với tôi. Phần để làm đầy khoảng thời gian 3h30 trong quá trình di chuyển, phần là cảm giác ham muốn đọc bấy lâu dường như có dấu hiệu tích cực chuyển biến trong mình, và kéo theo đó cảm hứng muốn ghi chép lại những cảm nhận, suy nghĩ, câu chuyện đang diễn ra quanh mình.
Vẫn là những câu chuyện về đời sống thường nhật nhưng dưới ngòi bút của tác giả Haruki Murakami, các câu chuyện tuy nhỏ nhưng lại hàm chứa các góc nhìn nhân sinh rất dạn dĩ và bình yên. Đó là những câu chuyện không phải bắt gặp trên đường phố tấp nập mà là từ trong nội tâm sâu thẳm của mỗi người. Trong các câu chuyện của tác giả Haruki Murakami, người đọc rất dễ bắt gặp một số tình tiết có tính chất lặp lại như các nhân vật trong truyện hay có một điểm chung là “thích nghe nhạc Jazz”, “thích đọc”, “là người viết”, “có một quán bar hoặc hình ảnh ly rượu có sự gắn bó với nhân vật chính” hay có những phân cảnh miêu tả “tình cảm lứa đôi” cùng những xúc cảm mãnh liệt của ái ân. Có lẽ phần nào đó là tác giả đã rút ra từ chính cuộc đời, trải nghiệm của mình hay có lẽ một ẩn ý sau đó rằng “đó là những câu chuyện không của riêng ai”.
Vẫn lối phong cách viết chân thực, mạnh về đặc tả từ khung cảnh đến nội tâm, tác giả Haruki Murakami lần nữa qua “ngôi thứ nhất số ít” đã cho chúng ta thấy những câu chuyện về những nhân vật “tuy không tên tuổi” nhưng cuộc sống của họ phản ánh những trải nghiệm mà bất kì ai đều có thể đã một lần từng trải. Tôi ấn tượng nhất câu chuyện về chú khỉ Shinagawa biết nói tiếng người, có xúc cảm với phụ nữ và năng lực đặc biệt trong đánh cắp “những cái tên” mà chú có tình cảm. Lần đầu đọc, tôi nghĩ rằng tác giả dùng biện pháp “ẩn dụ” cho hình ảnh chú khỉ Shinagawa là những xúc cảm bên trong người đàn ông khi không thể có được người phụ nữ mà anh ta có tình cảm. Anh ta chỉ có thể giữ mãi một phần họ trong mình qua việc đánh cắp cái tên của họ. Và nếu thật có một năng lực như vậy ngoài đời sống này thì không biết bao người sẽ chọn chỉ giữ mãi cái tên của người con gái trong tim hay là sẽ một lần tiến đến nói ra tình cảm trong lòng mình? Thực ra tôi nghĩ vế thứ hai vẫn sẽ chiếm đông đảo mặc dầu trong cuộc sống bây giờ con người đã vượt qua rất nhiều ngại ngần để được nói, được cởi mở lòng mình.
Một phần nữa “Ngôi thứ nhất số ít” làm tôi có cảm giác day dứt, nhớ mãi đó là những hình tượng người phụ nữ mà tác giả Haruki Murakami đưa đến. Họ đều là những người phụ nữ không được đề ghi một cái tên cụ thể, hay được đặt biệt danh hoặc có chăng là đã quên mất tên của mình. Họ cũng hiện lên không phải là những người phụ nữ được gắn với những ngôn từ mỹ miều về sắc đẹp ngoại hình - một tiêu chí mà cả xã hội nay ai cũng nhìn vào người phụ nữ. Tuy nhiên, người đọc phần nào có thể cảm nhận rằng những người phụ nữ trong truyện thật tình đều có sức hấp dẫn của riêng họ. Sức hấp dẫn ấy đến từ sâu trong nội tâm của chính họ như cô gái làm thơ tanka để nói về một tình cảm mãi mãi giấu đi, cô gái hiểu biết về nhạc Jazz một cách tường tận, có sức hút kì lạ song lại vướng vào lao lý,… Song có một điều phải khẳng định rằng, những cô gái ấy đều có những sức hút kì lạ, gợi mở nhiều tâm tư cho người đọc. Và theo tôi còn có thể có một hàm ý nữa mà tác giả đã vô tình hay cố ý giấu đi rằng thực ra sự cuốn hút của phụ nữ còn là sự day dứt mãi trong tâm trí người đàn ông.
Hành trình từ Huahin về Bangkok cùng “Ngôi thứ nhất số ít” thực sự đã cho tôi nhiều góc nhìn mới về nội tâm trong mình. Với một cuốn sách về độ dày vừa phải sẽ là lựa chọn phù hợp cho những ai muốn bắt đầu việc đọc của bản thân song sức nặng trong những câu chuyện đi qua có thể làm chúng ta phải thực sự nhìn lại trong mình, đặc biệt là những xúc cảm mà bản thân ta đã va vấp đâu đó trong cuộc sống này. Có lẽ đằng sau những lời văn ấy, tác giả đang hướng đến người đọc đến một cảm giác yên bình nào đó chăng, vì có lẽ khi đi qua những băn khoăn của cuộc sống, rồi chúng ta cũng sẽ tìm được giây phút thư thái cho riêng mình nhỉ?
Bangkok, Thái Lan
Ngày 01/5/2024