Tháng 7/2015, buổi họp báo của FIFA được diễn ra nhằm công bố các quyết định mới nhất liên quan tới quốc gia đăng cai các kỳ World Cup. Một người đàn ông lạ mặt đi lên hội trường, đứng trước mặt chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới Sepp Blatter và vung tiền vào mặt ông, tuyên bố rằng đây là tiền vận động cho chiến dịch ủng hộ tổ chức ngày hội bóng đá lớn nhất thế giới tại … Bắc Triều Tiên?
Người đàn ông ngay lập tức bị đưa khỏi cuộc họp báo, nhưng hình ảnh Sepp Blatter cùng những tờ tiền rơi lả tả đã là một biểu tượng. Biểu tượng cho sự thối rữa của FIFA, cho mối quan hệ của những kẻ nắm đầu với những tờ giấy màu xanh. 
Vụ bê bối dài hơn 20 năm bên trong nội bộ FIFA bị phanh phui hồi năm 2015 đã trở thành một trong những vụ tham nhũng lớn nhất trong lịch sử thể thao thế giới. 11 quan chức cao cấp của Liên đoàn đã phải ngồi sau song sắt vì các cáo buộc lừa đảo, tham nhũng và rửa tiền. Chủ tịch Sepp Blatter bị buộc phải từ chức và cấm hoạt động liên quan đến thể thao cho tới tận năm 2027. Kèm theo đó là một cuộc điều tra quy mô lớn hướng tới kỳ World Cup tổ chức tại Qatar năm 2022. 
Vậy những gì đã xảy ra bên trong nội bộ của FIFA? Gốc rễ của sự tham nhũng bắt đầu từ đâu? Và có thật Sepp Blatter thực sự vô can trong tất cả các bê bối này?
Bài viết tổng hợp thông tin từ các trang báo trong và ngoài nước, cùng với phim tài liệu "FIFA Uncovered".
Con đường thống trị của Sepp Blatter
Để thực sự hiểu được những gì đã và đang xảy ra ở trong FIFA, chúng ta phải quay ngược về quá khứ rất lâu về trước, khi mà liên đoàn bóng đá thế giới bắt đầu được thành lập. 
Năm 1904, 7 hiệp hội bóng đá khác nhau thuộc khu vực châu Âu đã bắt tay để thành lập nên một tổ chức thống nhất, chuyên để tổ chức các giải đấu, các sự kiện thuộc bộ môn thể thao bóng đá. Khi đó, những người thuộc hiệp hội chỉ là những tay nghiệp dư, họ cố gắng cống hiến hết những gì mình có vì tình yêu và vì sự đam mê với trái bóng. Bất chấp việc FIFA chỉ là một tổ chức quy mô nhỏ và không hề có nguồn lực về tài chính, bóng đá vẫn được yêu mến, vẫn được phát triển và bùng nổ dần theo thời gian. Cho tới năm 1971, chủ tịch khi đó của FIFA là nhà quản lý bóng đá nổi tiếng người Anh, Sir Stanley Rous, đã bị thách thức quyền lực bởi João Havelange, người mà về sau sẽ thay đổi hoàn toàn cục diện của FIFA. 
João Havelange (trái) và Stanley Rous (phía sau)
João Havelange (trái) và Stanley Rous (phía sau)
João Havelange từng là một vận động viên Olympic môn bơi lội, hiện là chủ tịch Liên đoàn Thể thao của Brazil. Ông là một trong những người quyền lực nhất, nổi danh và có tầm ảnh hưởng nhất quốc gia này. Bởi vậy mà ông nhận ra được mối liên kết chặt chẽ giữa thể thao và chính trị, ngay ở FIFA cũng không phải ngoại lệ. Cũng chính lúc đó, Havelange nhận ra mình hoàn toàn có cơ hội với Liên đoàn Bóng đá Thế giới, chẳng tội gì mà không nhảy vào. Nhất là khi Stanley Rous là một người có vấn đề với chế độ phân biệt chủng tộc tại Brazil và châu Phi, cũng như tư cách thành viên của họ ở trong tổ chức. Bởi vậy, ông không được lòng của người dân tại châu lục Đen, họ coi Rous là đại diện của đế quốc Anh thù địch. Havelange ngay lập tức lợi dụng điều này nhằm lấy lợi thế cho cuộc bầu cử chủ tịch FIFA tiếp theo.
Để bầu ra được chủ tịch FIFA, mỗi liên đoàn bóng đá sẽ có một phiếu bầu. Bởi vậy mà sẽ có rất nhiều phiếu bầu trên toàn thế giới. João Havelange nhận ra để chiến thắng, ông sẽ cần rất nhiều sự ủng hộ của châu Phi, nơi chiếm tới 30% tổng số lượng phiếu bầu. Vậy nên, Havelange đã hứa hẹn rằng nếu mình được ngồi trên vị trí chủ tịch, ông ta sẽ rót tiền, rót nguồn lực nhằm mục đích phát triển thể thao cho các quốc gia thuộc thế giới thứ 3 và châu Phi. Để thêm phần chắc cú, đã có những chiếc phong bì màu nâu được “thân tặng” cho các đại biểu tại cuộc bầu cử diễn ra ở Frankfurt. Như một lẽ tất yếu, Havelange chính thức nắm ghế chủ tịch, bắt đầu tư bản hóa Liên đoàn Bóng đá Thế giới. FIFA từ chỗ là một nhóm người châu Âu dành tình yêu cho bóng đá, chính thức trở thành một doanh nghiệp trá hình. 
Nhưng João Havelange không phải một tay chuyên về lĩnh vực kinh tế. Để hoàn thành được những hứa hẹn mà ông đã đưa ra từ trước khi nắm ghế, ông cần tiền, FIFA cần tiền. Và khi đó, vào tháng 10/1974, là lúc Sepp Blatter bắt đầu bước vào cuộc chơi của những kẻ tai to mặt lớn. Cũng chính Sepp Blatter là người đã đề xuất ý tưởng kết hợp cùng với các nhãn hàng lớn để “hợp tác phát triển”. Nhãn hàng được nhắm đến đầu tiên chính là tập đoàn sản xuất nước giải khát Coca-Cola. Blatter xách vali, thuyết trình với đối tác và thành công.
Năm 1976, họp báo công bố sự hợp tác giữa FIFA và Coca-Cola chính thức diễn ra. Trong đó, nhãn hàng đồ uống cam kết hỗ trợ cho các chương trình phát triển và các giải đấu cấp độ trẻ. Đây cũng là khởi nguồn của hoạt động tài trợ thể thao hiện đại. Sự công bố này cũng thu hút rất nhiều các nhãn hàng khác tới với FIFA, kèm theo đó là những bản hợp đồng quảng cáo tiền tấn, như hãng hàng không KLM, Philips, Canon hay Gillette. Tất cả diễn ra chỉ trong vòng 4 năm đầu Havelange cầm quyền. Nhưng đáng kể nhất trong đó, lại là Adidas, cùng sức ảnh hưởng của ông trùm Horst Dassler.
Havelange (giữa) cùng ông trùm Horst Dassler (trái)
Havelange (giữa) cùng ông trùm Horst Dassler (trái)
Horst Dassler, ông chủ người Đức của Adidas, có một sức ảnh hưởng to lớn kéo dài hàng thập kỷ. Mối quan hệ hợp tác của FIFA và Adidas là một mối quan hệ đan xen bền bỉ, nhất là vào thời điểm đó, sức bùng nổ của công nghệ truyền hình là cực lớn, chỉ cần có mặt trên sóng là cả thế giới sẽ biết đến thương hiệu của bạn. Bởi vậy, chẳng lạ gì nếu Adidas làm tất cả mọi thứ để có được suất tài trợ độc quyền ở kỳ World Cup 1982 tại Tây Ban Nha. Nhưng như vậy là chưa đủ đối với Horst Dassler. Ông ta muốn thâu tóm hoàn toàn bản quyền phát sóng truyền hình trực tiếp các trận bóng đá thuộc khuôn khổ của kỳ chung kết thế giới từ FIFA. Ông tạo hẳn một công ty có tên “ISL”, viết tắt của “công ty thể thao và giải trí quốc tế”. Công đoạn cuối cùng là nằm ở cái đặt bút ký tên của chủ tịch Havelange, người vừa được nhảy số tài khoản trước đó không lâu. Với vai trò là thư ký, cánh tay phải đắc lực của Havelange, Sepp Blatter hoàn toàn biết được khoản đi đêm của vị sếp đáng kính. Nhưng thay vì chỉ điểm Havelange, Sepp Blatter muốn có một phần trong chiếc bánh béo bở ấy. Cả “gia đình” FIFA đều biết những gì đã và đang xảy ra, nhưng chẳng có gì có thể ngăn cản những mục rữa từ tận sâu trong gốc rễ của nội bộ.
João Havelange là một kẻ khôn ngoan. Ngay khi ngửi thấy những điều không ổn sắp xảy đến, và cảm thấy mình ăn cũng đã đủ no, ông nhảy khỏi chiếc ghế chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Thế giới ngay khi kỳ World Cup 1994 tổ chức tại Mỹ kết thúc. Chiếc ghế bắt đầu cuộc hành trình tìm kiếm chủ nhân mới, ngay lập tức, 2 người đã bắt đầu cuộc đua để được đặt mông vào cái ghế đó. Trong đó có Sepp Blatter. Người còn lại, là Lennart Johansson, chủ tịch của Liên đoàn Bóng đá Châu Âu UEFA. 
Lennard Johansson có lợi thế rất lớn khi nhận được sự tín nhiệm của toàn châu Âu. Ông đặt ra mục tiêu trong chiến dịch bầu cử của mình là “thanh lọc hoàn toàn những mục rữa, kiếm lợi một cách minh bạch”. Ám chỉ sự tham nhũng của chủ tịch tiền nhiệm, cũng như chọc đúng chỗ ngứa của Sepp Blatter. Trong khi đó, Sepp Blatter lại gặp khó trong cuộc chạy đua này khi chưa có được sự tín nhiệm đáng kể từ bất cứ khu vực nào. Tới đây, 2 người đã đứng về phía của Sepp. 
Sepp Blatter đủ khôn ngoan để biết rằng trong mắt người khác, mình chỉ là một chính khách bóng đá ngây ngô. Nếu có một người đáp ứng đủ yêu cầu đó ủng hộ, sự tín nhiệm của ông trong Liên đoàn và những người hâm mộ bóng đá sẽ tăng rất cao. May mắn làm sao khi người quyết định đứng ra ủng hộ Sepp lại là người đã từng giành 3 quả bóng vàng liên tiếp vào năm 83-84-85, có cho mình 1 cúp thế giới và 1 cúp châu Âu. Còn ai khác ngoài danh thủ người Pháp, “The King” Michel Platini. Trong khi đó, Michel Platini mới bắt đầu tìm một chỗ đứng cho mình trong chính trị bóng đá sau khi giải nghệ. Hai tư tưởng lớn gặp nhau và họ đã hình thành nên một khối liên minh “có vẻ sẽ rất bền chặt về sau”, với giá 1 triệu đô. 
Đã xong chiến dịch bề ngoài, vậy còn bên trong thì sao? Áp dụng đúng chiến thuật mà João Havelange đã sử dụng, đánh áp đảo vào một khu vực có nhiều phiếu bầu. Có những khu vực như Nam Mỹ, nơi có những quốc gia rất mạnh về bóng đá như Brazil và Argentina, chỉ có 10 phiếu bầu. Nhưng khu vực Bắc, Trung và Caribbean lại là cả một vấn đề khác, họ có tận 30 phiếu bầu. 
Trong tình cảnh chính trị phức tạp của khu vực này, Jack Warner, người đứng đầu liên đoàn bóng đá khu vưc này, cho các quốc đảo sự độc lập mà họ muốn, bao gồm cả quyền bỏ phiếu bầu cử chủ tịch FIFA, bất kể là quốc gia lớn như Cuba, hay nhỏ như Turks & Caicos. Bởi vậy ông có được sự ảnh hưởng rất lớn đối với các lá phiếu tại đây. Và người giúp Jack Warner hiểu rõ được vị thế khổng lồ của khu vực Caribbean là Chuck Blazer, cánh tay phải đắc lực của gã. Jack phụ thuộc và Chuck để mang về nhiều hợp đồng truyền hình và nhiều khoản thu lợi khác, làm giàu cho liên đoàn, hay chính xác hơn, là làm giàu cho túi tiền của cả hai. Có thể nói, về độ tham nhũng thì không ai có thể bì được bằng hai gã này. 
Chuck Blazer (trái) và Jack Warner (phải)
Chuck Blazer (trái) và Jack Warner (phải)
Bởi mỗi quốc đảo độc lập thuộc khu vực Caribbean đều có một lá phiếu riêng. Bởi vậy, bất cứ ai muốn làm chủ tịch FIFA đều phải làm họ vui lòng. Hay chính xác hơn, là khiến cho người đứng đầu khu vực này cảm thấy vui, vì Jack Warner nắm một lượng phiếu bầu khổng lồ. Gã này nhìn được cơ hội kiếm tiền trong cuộc bầu cử, bởi vậy, gã yêu cầu Lennart Johansson trả tiền để mua được những lá phiếu, một cách thẳng thừng. Đương nhiên là người châu Âu không chơi theo kiểu như vậy. Nên chẳng lạ gì khi Jack Warner ngả vào vòng tay của Sepp Blatter cùng với những chiếc phong bì dày cộp. Cùng những hứa hẹn về những cơ hội sinh lời trong tương lai. 
Khó khăn cuối cùng, Lennard có sự ủng hộ từ châu Phi. Sepp Blatter hiểu rõ vấn đề này, nên ông cũng muốn phần nào đó nẫng tay trên của Lennard. Bởi vậy mà Sepp Blatter đã hứa hẹn với chủ tịch liên đoàn bóng đá Nam Phi, Molefi Oliphant. “Anh cho tôi sự lựa chọn, tôi cho anh sự bảo đảm. Nếu anh đưa ra lựa chọn đúng đắn, tôi sẽ giúp anh có được một kỳ đăng cai World Cup tại chính Nam Phi”. Không những có được lá phiếu từ quốc gia này, Sepp còn được Oliphant đảm bảo lá phiếu từ 14 quốc gia khác thuộc liên hiệp COSAFA. Kết quả như thế nào, kỳ World Cup năm 2010 tại Nam Phi đã nói lên tất cả. 
Một đồng minh quan trọng khác của Sepp là Mohamed Bin Hammam, người đứng đầu Liên đoàn Bóng đá Châu Á AFC. Ông này là một doanh nhân người Qatar, rất giàu, rất quyền lực, rất trung thành và uy tín. Sepp nhận ra được tầm quan trọng của ông, bản thân ông này cũng mong muốn kiếm chác được gì đó trong cuộc bầu cử năm 98, nên cả hai đã ngồi chung một thuyền. Mohammed chính thức trở thành quản lí chiến dịch của Sepp. 
Có đủ những gì mình cần. Sepp Blatter tự tin bước vào đại hội bầu cử chủ tịch FIFA được tổ chức tại Paris, Pháp, mặt song song với trời. Cùng với những chiếc phong bì màu nâu và trao chúng cho các đại biểu đang nghỉ ngơi tại khách sạn của FIFA. Rất nhiều đại biểu châu Phi đã đổi phe ngay trước giờ bỏ phiếu, thậm chí là một vài quốc gia châu Âu cũng đã phản bội Lennart Johansson. Để rồi kết quả chung cuộc, Sepp Blatter bước lên ghế chủ tịch của FIFA, khởi đầu cho hàng loạt các sự đổ nát về sau mà mãi tới tận năm 2015 mới được phanh phui. 
Đấu thầu World Cup - mỏ vàng của FIFA
Trong thời kỳ của João Havelange, Horst Dassler cùng với những hợp đồng truyền thông độc quyền tới từ ISL không khác gì ngân hàng, là cây ATM trá hình của FIFA. Nhưng khi Horst Dassler qua đời vì ung thư vào năm 1987, ISL bắt đầu không còn đủ tiềm lực nữa. Năm 2001, ISL tuyên bố phá sản với khoản nợ ròng lên tới 300 triệu Đô. Kèm theo đó, FIFA bắt đầu rơi vào thời kỳ khủng hoảng tài chính ngay khi Sepp Blatter vừa mới ấm mông trên chiếc ghế chủ tịch. Các rắc rối bắt đầu ập đến với Sepp, trong đó có cả những cáo buộc tham nhũng về mối quan hệ của ông và ISL. Tổng thư ký của FIFA khi đó, Michel Zen-Ruffinen, đã lợi dụng điều này, chỉ ra những sai số trong thống kê kế toán của Liên Đoàn nhằm hất cẳng Sepp Blatter ngay trong kỳ bầu cử tiếp theo. Tất nhiên là Sepp Blatter phủ nhận toàn bộ tất cả cáo buộc. Cùng với sự hỗ trợ của Chuck Blazer, hai người hướng lại mũi nhọn về phía Michel, cho rằng những gì anh làm là “một nỗ lực nhằm chia rẽ và phá hoại đại gia đình”. Còn về vấn đề tài chính, FIFA không phải lo về việc đó vì tiền đang nằm gọn trong túi của Sepp Blatter. Vậy chỗ tiền trong túi đó là từ đâu ra? Là từ việc Sepp Blatter đã bắt đầu bán những giải đấu trong tương lai. Cũng bởi vậy mà Sepp thắng áp đảo trong cuộc tái bầu cử vào năm 2002, và ngay lập tức trả đũa Michel Zen-Ruffinen bằng cách sút anh ra khỏi FIFA. 
FIFA rất quyền lực vì họ nắm trong tay World Cup, và các quốc gia sẽ phải ra sức cố gắng để có được quyền tổ chức giải đấu này ở đất nước của họ. Vòng chung kết thế giới không khác gì một phương pháp tối ưu để xây dựng hình ảnh của quốc gia ở tầm thế giới, tối ưu đến mức bạn sẽ chẳng thể đạt được hiệu quả này bằng bất cứ hình thức nào khác. Như đối với Đức, kỳ World Cup 2006 được tổ chức tại đây đã giúp nền kinh tế của đất nước này được thúc đẩy rõ rệt, thu về 1 tỷ đô chỉ trong 1 năm, tiếp tục tăng thêm 5.4% lượng khách du lịch ngay trong năm tiếp theo. World Cup là một trong số hiếm hoi những sự kiện được phát sóng trên tất cả các quốc gia. Nói cách khác, World Cup là sự kiện ngàn vàng để FIFA kiếm tiền, đồng thời khiến cho chủ tịch FIFA trở nên quyền lực bởi sự ảnh hưởng của nó với các quốc gia trên thế giới. João Havelange hiểu rõ điều này. Và cánh tay phải của ông, Sepp Blatter, chủ tịch FIFA hiện tại, cũng hiểu rõ nó. 
Sau khi bắt đầu nhiệm kỳ của mình năm 1998, các quốc gia tổ chức World Cup năm 2002, 2006 đều đã được ấn định. Quốc gia đầu tiên được tổ chức vào năm 2014 là Nam Phi, như một cách để Sepp Blatter hoàn thành lời hứa khi tìm kiếm phiếu bầu ở các khu vực này. Cũng trong giai đoạn 2009-2010, cũng là lúc FIFA bắt đầu mở cuộc đấu thầu để đăng cai tổ chức các kỳ World Cup năm 2018 và 2022. Còn chọn quốc gia nào, quyết định đó được đưa ra bởi Ủy ban điều hành, nơi tập hợp 24 người cốp to nhất trong tất cả các Liên đoàn Bóng đá toàn Thế giới, tất nhiên không thể thiếu được những kẻ như Chuck Blazer hay Jack Warner. Vì vậy, thật khó để cuộc bầu chọn có thể diễn ra một cách minh bạch. 
Ngay trước ngày bỏ phiếu, ủy ban đạo đức FIFA đã hủy bỏ tư cách bỏ phiếu của 2 đại biểu đến từ Tahiti và Nigeria vì họ đang cố bán lá phiếu của mình. Nhưng đó chỉ là 2 trong số rất nhiều các trường hợp đã bị phát giác. Chuyên gia khi nhìn vào hồ sơ đấu thầu cho kỳ World Cup 2018, hồ sơ tốt nhất là của Anh Quốc. Đối với 2022, đó là Hoa Kỳ. Nhưng công bố của FIFA vào cuối năm 2010 đã gây sốc cho toàn thế giới. Cơ hội đăng cai năm 2018 thuộc về Nga, có thể hiểu được. Năm 2022, đó là Qatar.
Quyết định này không chỉ gây bất ngờ cho giới truyền thông và công chúng, nó còn gây sốc với cả những người thuộc ủy ban điều hành của FIFA. Người ta vẫn còn có thể nhìn thấy hình ảnh khuôn mặt hóa đá của Chuck Blazer khi kết quả vừa mới được công bố. Như thể ông ta vừa nhìn thấy mặt trời lặn đằng Tây vậy. Còn đối với Sepp Blatter, ông chỉ biết quay lại đằng sau với các thành viên khác, gương mặt tỏ rõ sự thất bại và nói “chuẩn bị đi, chúng ta sắp rơi vào rắc rối rồi đấy”. 
Không ngoài dự đoán, FIFA trở thành tâm điểm chỉ trích của giới truyền thông và toàn bộ người hâm mộ thể thao trên toàn thế giới. Nhất là khi họ đang là tâm điểm của mọi cáo buộc hối lộ. Câu hỏi duy nhất hiện lên trong đầu mọi người, “Tại sao lại là Qatar?”.
Qatar không phải là một quốc gia lý tưởng nhất để đăng cai một kỳ World Cup. Theo những báo cáo được gửi về cho FIFA, nhiệt độ tại đây vào khoảng tháng 5-6-7 lên tới 42 độ C, không hề lý tưởng cho những trận đấu bóng đá. Chưa kể, cơ sở hạ tầng không hề phù hợp, quốc gia của họ khi đó không hề có sân vận động, không có đủ khách sạn cho khách du lịch, giao thông mạng lưới giao thông không thuận tiện. Nếu muốn tổ chức một kỳ World Cup, họ gần như sẽ phải tái thiết lại đất nước. Nếu so sánh với hồ sơ của Hoa Kỳ, nó là một trời một vực. Vì vậy, khi Qatar được trúng thầu cho kỳ World Cup 2022, FIFA là tâm điểm cho mọi mũi nhọn từ truyền thông nhắm vào. “Họ không quan tâm tới bóng đá, họ không quan tâm tới chúng ta, tất cả những gì họ quan tâm là tiền”. Bạn có thể nhìn thấy câu này ở mọi nơi, từ báo chí cho tới các mạng xã hội như Twitter. Và rõ ràng là họ có cơ sở cho những lời chỉ trích đó. 
Theo các số liệu nghiên cứu của tờ “The Guardian”, có hơn 6.500 lao động nhập cư thiệt mạng trong giai đoạn chuẩn bị cho World Cup từ năm 2010-2020, chủ yếu là từ Ấn Độ, Pakistan, Nepal, Bangladesh và Sri Lanka. Tức là trung bình mỗi tuần, 12 người nhập cư tới từ 5 quốc gia trên thiệt mạng. Con số ấy còn có thể cao hơn trên thực tế, bởi chưa bao gồm các trường hợp nhập cư từ Philippines hay Kenya, cũng là những quốc gia cho Qatar nguồn lao động dồi dào. Nhưng theo như số liệu được chính quyền Qatar công bố, chỉ có 37 người trên tổng 2 triệu lao động nhập cư tử nạn. 
Quay lại với câu chuyện làm thế nào mà Qatar trở thành quốc gia đăng cai World Cup. Khá hiển nhiên, phía Qatar phải khiến cho các ủy viên thuộc Ủy ban Điều hành bầu cho họ. Xét theo tình hình chính trị, Qatar đang tìm kiếm tiếng nói của mình trên trường quốc tế, thoát khỏi cái bóng quá lớn của gã hàng xóm Ả Rập Xê Út. Một trong số những cách họ thể hiện điều đó là thông qua thể thao và bóng đá. Mặc dù Qatar không phải một quốc gia có đội tuyển xuất sắc, nhưng các ông chủ của họ thì chẳng có gì ngoài tài chính, họ muốn thể hiện mình là một tay chơi chịu chi nhất nhì Trái Đất. Rất nhiều các giải đấu, các sự kiện tầm cỡ có sự tài trợ tới từ Qatar. Hay dễ nhận thấy nhất là ở cách mà họ thâu tóm rồi đổ tiền vào đội bóng PSG. Chỉ là sớm muộn trước khi họ muốn có riêng cho mình một kỳ World Cup. Nó không chỉ là ham muốn của Liên đoàn Bóng đá của Qatar, nó là cả một dự án quốc gia đối với họ. 
Ban đầu, nhóm thầu của Qatar là một nhóm nhỏ, một số trong đó còn chưa bao giờ được xem một trận đấu World Cup, và họ cũng chẳng hề có kinh nghiệm nào trong việc đấu thầu một giải đấu lớn trước đây. Trong sự kiện “bữa sáng truyền thông FIFA” tại Cape Town, Nam Phi năm 2009, đây là sự kiện mà các quốc gia sẽ mở gian hàng để giới thiệu tiềm năng trở thành đất nước đăng cai kỳ World Cup 2018 và 2020, gian hàng của Qatar vắng tanh, không được mấy ai chú ý. Trong khi ở gian hàng của Anh, một trong những đối thủ nặng ký nhất của Qatar, báo chí bủa vây còn đèn flash chớp tắt liên tục. Đó là vì có sự xuất hiện của David Beckham, một trong những cầu thủ vĩ đại nhất của thế hệ này. Còn Qatar, họ chẳng có gì cả, chẳng ai biết tới vị hoàng tử của quốc gia Trung Đông nhỏ bé đang ngồi trong gian hàng là ai. Nhưng con bài tẩy của Qatar không phải một người thích thu hút sự chú ý. Có lẽ các bạn sẽ nhớ nhân vật này, Mohamed Bin Hammam, chủ tịch Liên đoàn Bóng đá châu Á. Ông là người duy nhất có kinh nghiệm trong lĩnh vực bóng đá chính trị, và cũng là người có tầm ảnh hưởng đối với FIFA. 
David Beckham xuất hiện trong sự kiện "bữa sáng truyền thông FIFA"
David Beckham xuất hiện trong sự kiện "bữa sáng truyền thông FIFA"
Ban đầu, bản thân ông Bin Hammam hiểu rõ những trở ngại của Qatar, như thời tiết và điều kiện cơ sở hạ tầng. Phải mất một khoảng thời gian, đội ngũ phụ trách đấu thầu mới có thể thuyết phục được ông hỗ trợ cho dự án. Ông có thể mang lại công cụ và biện pháp dẫn tới chiến thắng cho Qatar, ông biết phải tìm kiếm lá phiếu từ ai, phải gặp ai và đề nghị họ như thế nào. Đó chính xác là những gì Qatar đã làm để thâu tóm từng lá phiếu. 
Năm 2010, 10 tháng trước cuộc bỏ phiếu, Qatar đồng ý chi tiền tài trợ cho Đại hội bóng đá Châu Phi tại Angola. Đây cũng là sự kiện có sự có mặt của 3 ủy viên thuộc hội đồng của FIFA. Trong đó, phía Qatar bắt đầu đưa ra lời đề nghị của mình, bắt đầu từ mức giá 1 triệu Đô nhằm mục tiêu “hỗ trợ hoạt động cho liên đoàn bóng đá của quý đại biểu”, đổi lại, là lá phiếu của họ cho Qatar. Mức giá sau đó đã được nâng lên 1.5 đô với kết quả kèm theo là những cái bắt tay thân thiện của những người bạn thân thiết với nhau. Sự kiện này sau đó đã được một người trong nhóm đấu thầu của Qatar, cô Phaedra, chỉ điểm vào tháng 12/2010 trên một bài báo của tờ The Sunday Times. Về phía Qatar, họ phủ nhận hoàn toàn lời cáo buộc này, nhưng mặt khác, họ đưa ra những lời đe dọa tới Phaedra, bao gồm các cuộc gọi, email nặc danh, và khủng bố tài khoản mạng xã hội. Sau cũng, Phaedra đã phải ký vào một bản khai có tuyên thệ rằng cô đã nói dối, nếu không thì họ sẽ “đối phó bằng pháp luật”. Sau cùng cô cũng phải tự nhận mình đã nói dối cũng trên tờ Sunday Times. Nhưng thực hư ra sao, chỉ có Chúa và những người trực tiếp tham gia tham nhũng mới biết rõ. 
Những cuộc trao đổi mang tầm quốc gia “có lẽ là vì tấm phiếu bầu cử” cũng liên tục được Qatar thực hiện. Trong đó có vụ mua bán đối với Thái Lan, quốc gia có một ghế trong Ủy ban Điều hành. Qatar và Thái Lan cũng có một thỏa thuận mua bán khí đốt lớn ngay trước khi cuộc bầu chọn được diễn ra. Tất cả những người tham gia đều phủ nhận đó là những động thái để có được tấm phiếu, nhưng truyền thông không nghĩ vậy. Một thành viên thuộc Ủy ban khác, Marios Lefkaritis, cũng đã bán đất đai của mình cho Qatar với giá 32 triệu Euro, và anh này cũng phủ nhận mọi cáo buộc liên quan tới quyết định bỏ phiếu của mình. Nhưng đó chưa là gì với cuộc trao đổi của Qatar và Pháp. 
Chỉ vài tuần trước cuộc bỏ phiếu, chủ tịch UEFA khi đó, Michel Platini, người có ảnh hưởng rất lớn đến việc các đại biểu châu Âu thuộc ban Điều hành sẽ bỏ phiếu cho ai, đã có một buổi ăn trưa với tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy. Và đoán xem ai cũng có mặt trong bữa trưa đó? Đó là con trai của tiểu vương Qatar. Michel Platini không được báo trước về chuyến gặp mặt này, theo lời ông, Platini nhận được một “thông điệp lớn” từ tổng thống Sarkozy rằng sẽ tốt nhất cho quốc gia nếu bầu cho Qatar thay vì Hoa Kỳ. Nói cách khác, lá phiếu của Platini, và hầu hết các đại biểu châu Âu, đều đã được chỉ định là phải bầu cho Qatar. Nhưng đổi lại, nước Pháp nhận lại những gì? Ngay sau khi Platini bầu cho Qatar, quỹ tài sản của quốc gia Trung Đông này ngay lập tức mua lại câu lạc bộ Paris Saint-Germain, câu lạc bộ bóng đá chính của Paris, và bơm hàng tấn tiền vào đó. Đem về biết bao nhiêu ngôi sao hàng đầu thế giới như David Beckham, Zlatan Ibrahimovic, hay sau này là Neymar, Lionel Messi. Không chỉ trong lĩnh vực bóng đá, đã có những thỏa thuận thương mại rất lớn diễn ra giữa 2 quốc gia này, trong đó có vụ Qatar mua phi cơ chiến đấu Rafale của Pháp có trị giá những 7 tỷ đô, hay mua lại hàng loạt các máy bay Airbus. Những quyết định để World Cup được diễn ra tại Qatar được thiết lập ngay ở các cấp chính trị cao nhất. Nhưng tất nhiên, chính quyền Qatar vẫn ngẩng cao đầu, khoanh tay trước ngực và coi như chẳng có gì xảy ra cả. 
Các bạn vẫn còn nhớ cú sốc của Chuck Blazer chứ? Ông này thuộc Liên đoàn bóng đá Bắc-Trung Mỹ và các nước Caribbean. Chẳng có lý do gì để ông ta không dâng tấm phiếu bầu của mình cho Hoa Kỳ cả. Nhưng đồng minh thân thiết của ông ta, Jack Warner, thì không nghĩ vậy. Đối với Jack, và một số ủy viên khác, coi cái ngày mà Qatar nhảy vào cuộc đua là ngày lương về. Rất nhiều trong số họ có lẽ sẽ không còn ngồi ở trên chiếc ghế ấy trong nhiệm kỳ tiếp theo, nên họ cố gắng vơ vét hết tất cả những gì họ có thể vơ được. Nói cách khác, Jack Warner đã vì tiền mà phản bội Chuck Blazer, chiến thắng của Qatar đối với công chúng là gây sốc, nhưng đối với bộ sậu của FIFA, đó là kết quả quá hiển nhiên rồi. Sepp Blatter cũng biết rõ tình thế của FIFA sẽ ra sao nếu Qatar thắng cuộc, và bản thân ông ta cũng bầu cho Hoa Kỳ, thuyết phục các ủy viên khác bầu cho Hoa Kỳ để né những sự chú ý không cần thiết nhằm trục lợi nhiều hơn về lâu về dài. Nhưng ông ta thất bại. Đó là nguyên do thực sự cho thái độ và lời nói của ông ngay sau khi công bố kết quả của cuộc bầu chọn. Và cũng chính quyết định này đã gián tiếp khiến hơn 6.500 người tử nạn trong khi xây dựng các cơ sở hạ tầng phục vụ World Cup tại Qatar. 
Cơn khát quyền lực của Sepp Blatter lên tới cực điểm
Sau khi cuộc đấu thầu World Cup 2018 và 2022 kết thúc, cũng là khi Sepp Blatter sắp kết thúc nhiệm kỳ hiện tại của mình. Lúc trước khi đắc cử lần đầu tiên, Sepp đã tuyên bố rằng mình sẽ tại vị trong vòng 2 nhiệm kỳ. Tuy nhiên, ông đã nuốt lời và tại vị tiếp nhiệm kỳ thứ 3, và thậm chí, theo lời Michel Platini sau này, “ông ta muốn ôm cái ghế đó cho tới khi xuống mồ, để rồi đến khi chết đi còn muốn được chôn cùng với nó”. Và Michel Platini không phải người duy nhất tức giận vì điều này. Nhiều người thuộc nội bộ FIFA còn cho rằng Blatter không thể kiềm chế được tham vọng của mình. Trong vòng 13 năm tại vị, Sepp nhận được danh vọng và được ghi nhận ở khắp thế giới. Nhưng không phải ai cũng tán dương cách điều hành của ông tại FIFA. Sepp luôn đòi hỏi sự trung thành từ những người đi theo và ủng hộ mình, nhưng vấn đề của ông là không hề trung thành với các trợ thủ chính trị đó. Trường hợp của Mohammed Bin Hammam là một ví dụ.
Như chúng ta đã biết, Bin Hammam là một người ủng hộ Sepp Blatter, cực kỳ tận tụy và trung thành. Nhưng để hình thành được mối quan hệ ấy ngay từ đầu, bản thân ông cũng mong muốn có được chiếc ghế ngay sau khi Sepp Blatter hết nhiệm kỳ của mình. Để rồi đến khi Sepp nuốt lời, Bin Hammam chứng minh luôn khả năng và tiềm lực của mình bằng cách đưa World Cup đến Qatar, một điều hoàn toàn bất ngờ đối với Sepp Blatter. Lần đầu tiên, Sepp Blatter nhận ra được giới hạn quyền lực của bản thân, và tất nhiên là ông không chấp nhận điều này. Và ngay lập tức, Sepp hành động nhằm tống khứ Bin Hammam ra khỏi FIFA. Theo lời của Bin Hammam: 
“Vào năm 2009, có một cuộc bầu cử ở châu Á cho vị trí ở FIFA mà tôi đang nắm giữ. Và có một ứng cử viên khác. Tôi đã rất ngạc nhiên khi Sepp Blatter lại ủng hộ người đó. Tôi thấy điều đó khá kỳ lạ. Tôi đã nghĩ chúng tôi là bạn, nhưng ông ta lại nghĩ tôi là một mối đe dọa và muốn tống khứ tôi ra khỏi FIFA. Vì vậy, tôi đã nghĩ là, tôi sẽ khiến cuộc sống của ông ta không được thoải mái.”
Mohammed Bin Hammam sau đó đứng ra ứng cử vào chiếc ghế chủ tịch, trực tiếp chỉ trích cách làm việc của Sepp Blatter và mong muốn sự minh bạch trong mọi hoạt động của FIFA. Khi đó, giới truyền thông nhận định sẽ rất khó để hạ bệ được Sepp Blatter, đơn giản vì ông đang ngồi quá vững trên chiếc ghế đó. Ông sử dụng hàng tỷ đô kiếm được từ các kỳ World Cup để củng cố nền tảng quyền lực của bản thân. Nên chẳng dễ gì để Bin Hammam có thể đối đầu với Sepp một cách minh bạch và trực diện. Trong hội nghị của liên đoàn bóng đá CONCACAF tổ chức năm 2011 tại Miami, Hoa Kỳ, Bin Hammam đã mong muốn được tham dự để gặp các đại diện thuộc khu vực Miami cho chiến dịch của mình. Nhưng ông bị khước từ Visa đi Mỹ một cách vô cùng khó hiểu. Theo ông, “như thể có ai đó không muốn tôi có mặt ở đấy vậy”. Và cũng chính ở đại hội đó, Sepp Blatter tuyên bố sẽ viện trợ phát triển 1 triệu đô cho CONCACAF, khi đó vẫn được cầm trịch bởi Jack Warner và Chuck Blazer. Hành động này giống như một sự khiêu khích trắng trợn tới Bin Hammam, và vị chủ tịch liên đoàn châu Á đã mắc bẫy của Sepp Blatter.
Sau kỳ bầu cử World Cup, có lẽ Bin Hammam đã thiết lập được một mối quan hệ với Jack Warner, còn Chuck Blazer rõ ràng là theo phe của Sepp Blatter. Bin Hammam sau khi bị gạt ra rìa khỏi kỳ đại hội tại Miami đã liên lạc với Jack để “xin thêm một cơ hội nữa để thuyết phục các ủy viên”. Mong muốn đó đã được thực hiện bằng một đại hội được tổ chức tại thủ đô Port of Spain thuộc Trinidad & Tobago, quê hương của Jack Warner, cũng là nền tảng quyền lực của gã. Tất cả các nước thuộc liên đoàn bóng đá Caribbean đều được mời tới khách sạn Hyatt Regency. Bản thân Jack Warner cũng sở hữu một công ty du lịch, và được trả 363.000 đô, có lẽ bởi Bin Hammam, để tổ chức chuyến đi này. Chuck Blazer nghĩ đây không phải ý hay, và hoàn toàn phản đối sự kiện này. Trong một bức thư mà Chuck gửi cho Jack, ông ta nói sự kiện này nên được tổ chức một cách công khai và minh bạch, chứ không chỉ cho riêng khu vực Caribbean. Hay nói cách khác, bản thân Chuck Blazer cũng muốn có phần trong miếng bánh mà Bin Hammam mang tới, bất chấp việc ông ta ủng hộ Sepp Blatter. Chỉ là Chuck không muốn Jack ăn một mình thôi. Chuck cũng có một vài động thái đe dọa, nhưng Jack Warner không để tâm lắm, và vẫn cho hội nghị được diễn ra như bình thường. 
Trong ngày đầu tiên diễn ra hội nghị, Bin Hammam vẫn thuyết trình như bình thường về những gì ông sẽ làm đối với FIFA và nền bóng đá thế giới nói chung. Nhưng có một vài sự kì lạ vào cuối của buổi thuyết trình. Các đại biểu được nhắc về một “món quà để giúp đỡ các liên đoàn thành viên” nhưng được nhận ở một nơi kín đáo thuộc khuôn viên của khách sạn. Khi các đại biểu lần lượt vào trong nhận quà, đó là một chiếc phong bì màu nâu chứa đầy tiền mặt, cụ thể, là 40.000 đô. Khi đại biểu đến từ Puerto Rico thắc mắc số tiền dùng để làm gì, những người thuộc liên đoàn bóng đá Caribbean nói rằng “Nó là để anh dùng cho bất cứ việc gì anh muốn làm, trong bóng đá”. Rõ ràng số tiền đó đã được phân phát cho tất cả. Hầu hết, là họ đã đón nhận nhiệt liệt. Chỉ có một vài người trả lại phần quà đó, thậm chí, đã có người báo cáo lại về vụ phân phát tiền này. Chỉ trong vài giờ, tin tức đã về đến tai Chuck Blazer đang ở New York, và Chuck gần như phát điên, nhưng vì Jack nhận tiền mà không có Chuck, hay chỉ vì Jack tham nhũng, không ai biết được. Dù sao, Chuck Blazer cũng đã làm việc với Jack Warner 20 năm trời, và giờ thì sự gắn kết đó hoàn toàn tan vỡ. Và Chuck quyết định tố cáo Blazer với các quan chức cấp cao của FIFA tại Zurich, Thụy Sĩ. 
Mohammed Bin Hammam trong buổi họp báo từ bỏ tranh cử
Mohammed Bin Hammam trong buổi họp báo từ bỏ tranh cử
Cho tới nay, người ta vẫn chưa thể hiểu được tại sao Mohamed Bin Hammam lại có thể thực hiện một pha tham nhũng trắng trợn và trơ trẽn đến thế, vì rõ ràng ông ta là một người khôn ngoan và có hàng chục năm ngồi ở trên chiếc ghế chủ tịch liên đoàn Bóng đá Châu Á. Theo Bin Hammam, “tôi không hề có ý xấu để mua chuộc người khác”. Còn đối với các đặc vụ FBI, “Ông ta đã được khuyến khích nên chi tiền giúp đỡ các quốc gia thuộc vùng Caribbean, để rồi rơi vào cái bẫy mà Sepp Blatter bày ra”. Nhưng dù thế nào đi chăng nữa, khi dư luận nhìn vào, thì đây vẫn là một vụ tham nhũng không hơn không kém. Cả Jack Warner và Mohamed Bin Hammam đều phải hứng chịu những hệ quả sau sự vụ ở Trinidad & Tobago, và người đưa ra những hệ quả đó, không ai khác ngoài Sepp Blatter. 
Sepp tận dụng dịp này như một cơ hội để loại bỏ đối thủ của mình cho cuộc đua vào chiếc ghế chủ tịch. Ông cho Bin Hammam một đường lui, nếu ông ta rút khỏi cuộc bầu cử, Sepp sẽ không nhắc tới cách Qatar thắng cuộc bỏ phiếu, đồng thời giảm nhẹ hình phạt cho vụ việc ở Trinidad. Trong tình thế đó, Bin Hammam buộc phải đồng ý. Và kết quả, Sepp Blatter tiếp tục tại vị thêm một nhiệm kỳ nữa, lần này với tư cách là “ứng cử viên duy nhất xử lý được khủng hoảng thể thao”. Còn đối với cả Bin Hammam và Jack Warner, cả 2 đều bị đình chỉ khỏi FIFA. Bin Hammam rời đi một cách lặng lẽ, nhưng Jack Warner, ông phát biểu trước truyền thông: “Một cơn sóng thần chuẩn bị tới với FIFA, các vị chỉ chưa biết điều đó thôi. Rốt cục, Blatter cần phải bị ngăn lại”. Không lâu sau đó, Jack Warner tự nguyện từ chức, và không bị FIFA truy cứu. 
Sau vụ bê bối trên, người duy nhất được hưởng lợi hoàn toàn, chỉ có Chuck Blazer. 2 người có khả năng xâu xé được miếng bánh của Chuck giờ đã rớt khỏi võ đài, còn bản thân Chuck thì được các bản tin ca ngợi như một anh hùng vì đã chỉ ra sự tham nhũng bên trong nội bộ FIFA. Nhưng mấy ai biết rằng Chuck Blazer cũng là một phần trong đó ngay từ đầu. Cũng bởi vậy, mà chẳng lạ khi Chuck Blazer là kẻ đầu tiên vào tầm ngắm của FBI. 
Kẻ chỉ điểm
Các quan chức của FIFA chưa phải chưa bị để mắt bao giờ. Trong đó có các ký giả ở Anh, những người tập trung vào vấn nạn tham nhũng bên trong Liên đoàn Bóng đá Thế giới. Người hoạt động tích cực nhất là cố nhà báo Andrew Jennings, một ký giả kỳ cựu về các chiến dịch bầu cử. Suốt nhiều năm, ông cố vạch trần tham nhũng bên trong FIFA.
Andrew Jennings trong một nỗ lực phỏng vấn Jack Warner đã bị ông này chửi bới thậm tệ
Andrew Jennings trong một nỗ lực phỏng vấn Jack Warner đã bị ông này chửi bới thậm tệ
FBI bắt đầu điều tra FIFA từ trước cuộc bỏ phiếu gây xôn xao hồi năm 2010. Cũng thật khó để FIFA không nằm trong tầm ngắn của FBI bởi họ luôn nằm trong tất cả các cáo buộc về tham nhũng trong một khoảng thời gian rất dài. Vấn đề là họ không biết cần phải lần theo đầu mối nào, cách thức bên trong Liên đoàn hoạt động ra sao. Bởi họ chẳng có ai để có thể kể rõ sự tình cả. 
Trong lúc này, Jack Warner muốn có một cuộc trả thù nhằm vào Chuck Blazer nói riêng và FIFA nói chung. Andrew Jennings là người được Jack Warner liên hệ để chỉ điểm các hành động của Chuck. Các tài liệu chỉ ra rằng Blazer đang được nhận đủ thứ tốt đẹp mà ông ta không nên có, như là một căn hộ tuyệt đẹp ở Miami và Bahamas, hay một chiếc Mercedes bóng bẩy ở Zurich. Tổng khối tài sản của gã lên tới 15.3 triệu đô mà chẳng rõ nguồn gốc của chúng từ đâu ra. Có nhiều tấm séc của Chuck liên tục được gửi đi và nhận về từ nước ngoài. Tất cả các thông tin trên đều nằm trong loạt bài viết của Jennings vào mùa hè năm 2011, loạt bài này đã thu hút được sự chú ý của FBI, họ biết mình cần phải làm việc với ai. 
Để tóm được Chuck Blazer là một việc vô cùng đơn giản. Nhưng đối với FBI, họ muốn diệt trừ tận gốc những thối rữa ở trong FIFA. Họ sẽ cần một cái gì đó để khiến Chuck trở thành một tay trong. Bởi vậy mà FBI đã bắt đầu đào bới hồ sơ của Chuck Blazer, để rồi phát hiện ra Chuck không hề có tờ khai thuế, không hề đóng thuế trong vòng 15 năm. Chưa kể, những nguồn tiền không rõ nguồn gốc từ nước ngoài đều phải được chuyển về một ngân hàng đại lý ở Hoa Kỳ trước khi được chuyển đi bất cứ nơi nào khác trên thế giới, nên FBI dần dần lần ra được mọi sự bất thường của Chuck Blazer. Khi chứng cứ đã có đủ, tất cả những gì họ cần phải làm, là đưa cho Chuck một lời đề nghị mà hắn không thể từ chối. 
Ngày 30/11/2011, Chuck Blazer sau khi rời khỏi trụ sở của mình tại Trump Tower đã nhận ra một vài điều không được bình thường lắm. Ông ta bảo người trợ lý của mình đến quán bít tết trước, rồi bản thân ra khỏi xe van, lên con xe tay ga của mình và đến một cái bàn đang có 2 đặc vụ FBI ngồi chờ sẵn. Ông ta nhanh chóng hiểu ra được tình cảnh của mình. “Ông Blazer, với tất cả các tội danh hiện tại, ông sẽ phải đối mặt với án phạt tù từ 75 tới 100 năm, nhưng chúng tôi ở đây là để ông có thêm một lựa chọn nữa”. Không mất nhiều thời gian để phía FBI có được sự hợp tác của Chuck. Sau cuộc nói chuyện, người trợ lý bảo với Chuck, “tiền thuế thôi mà, nộp đi rồi mọi chuyện sẽ qua thôi”. Gã trả lời, “Mary Lynn, anh chỉ là một kẻ lừa đảo mập đ*t đến từ Queens mà thôi. Ác giả ác báo, cái gì đến rồi cũng sẽ phải đến.”
Chuck Blazer không phải một kẻ tố giác. Anh ta chỉ là một tên tội phạm bị bắt quả tang, sau đó đã được khai thác để tóm gọn các tên tội phạm khác, đổi lấy thỏa thuận để thoát, hoặc là giảm nhẹ án tù. Phần việc của Chuck là báo cho FBI biết nơi nào đang diễn ra các hành vi sai trái, họ nên để mắt tới ai. Họ đưa cho Chuck một chiếc móc khóa có gắn máy nghe lén bên trong. Mỗi khi nào đi ăn tối với một ai đó trong bộ sậu của FIFA, cứ quẳng chiếc chìa khóa lên bàn và chúng tôi sẽ làm hết phần việc còn lại. Và Chuck đã biến cả đội ngũ điều tra thành con cá, mở mang cho họ, chỉ tay thẳng tới những người chưa bao giờ lọt vào tầm nghi vấn của FBI. 
Trong đó, tất nhiên không thể thiếu một nhân vật quan trọng, chính là Jack Warner, hay cụ thể hơn, là các con trai của ông ta. Bọn họ rửa tiền cho bố mình trên khắp thế giới, đặc biệt là ở Mỹ. Chẳng lạ gì khi FBI nhanh chóng ập tới và bắt tất cả đi, ngoại trừ Jack Warner, bởi ông ta là quan chức chính phủ cấp cao ở Trinidad vào lúc đó, còn FBI chẳng có quyền để bắt giữ ông ta tại trận. Trong lúc các đặc vụ đang còng tay các con trai của Jack, một người thuộc FBI nhanh chóng tiến tới và ghé vào tai của Jack Warner, “đây là cơ hội để các con của ông thoát tội”. Nhưng trái với kì vọng, Jack Warner chỉ bảo rằng “tôi hy vọng chúng sẽ kiếm được một vị luật sư tốt”. Ông ta không giúp ai, kể cả cho dù đó có là các con của ông ta. 
Trong thời gian rối ren như vậy, Sepp Blatter nhanh chóng bổ nhiệm một nhân vật khác lên chiếc ghế chủ tịch CONCACAF đang được bỏ trống vào hội nghị của FIFA tổ chức tại Budapest năm 2012, đồng thời hứa hẹn cải tổ bộ máy của Liên đoàn. Nhưng trớ trêu thay, kẻ mới nhậm chức, Jeffrey Webb, còn là một tay trơ trẽn hơn cả Jack Warner. Chỉ ngay khi vừa ngồi vững chiếc ghế chủ tịch, Jeffrey ngay lập tức đòi hối lộ một cách không thể lộ liễu hơn. Bằng chứng phạm pháp của lão này nhanh chóng được thu thập và tuồn cho FBI bởi Chuck Blazer. Nhưng điều kỳ lạ ở đây là không có bằng chứng nào được chỉ ra liên kết được tới Sepp Blatter. Ông ta vẫn làm tất cả mọi thứ để củng cố, và thể hiện quyền lực của mình, trong đó bao gồm việc mở hẳn một “Sepp Blatter Academy” tại Palestine. Những người từng làm việc cho Sepp đều nói trước truyền thông rằng “Tham vọng của ông ta ngày càng lớn, tới mức bản thân ông ta còn chẳng thể kiềm chế được con thú trong mình. Bóng đá ngày càng phát triển vì nó là món ăn tinh thần mà tất cả mọi người đều cần, FIFA là người mớm cho họ điều đó. Đã có lúc ông ta còn muốn ẵm luôn cả giải Nobel Hòa Bình, thật là trơ trẽn.” Nhưng chính bản thân Sepp cũng chẳng thể biết được thời gian mình còn ngồi trên chiếc ghế chủ tịch Liên đoàn Bóng đá thế giới cũng sắp đến hồi kết. 
Đế chế sụp đổ
Cơn bão quét qua FIFA bắt đầu từ năm 2015, cuốn phăng tất cả những nhân vật cộm cán nhất của Liên đoàn này. Trước tiên, tất nhiên rồi, là lời nhận tội của Chuck Blazer trong một phiên tòa kín của Tòa án Liên bang Hoa Kỳ. FBI hiểu rằng nếu họ công khai phiên tòa này thì nó sẽ là một vết nhơ không bao giờ có thể xóa được trong lịch sử bóng đá.
Một trong số rất nhiều các quan chức cấp cao bị bắt giữ
Một trong số rất nhiều các quan chức cấp cao bị bắt giữ
Bên cạnh Chuck Blazer, rất nhiều các nhân vật khác cũng bị FBI tóm gọn. Ngày 27/5/2015 tại Zurich, Thụy Sĩ, FBI ập vào khách sạn chính của FIFA, bắt giữ 14 quan chức cấp cao của Liên đoàn. Trong đó có chủ tịch CONCACAF Jeffrey Webb. 2 thế hệ quan chức bóng đá đều bị cáo buộc đã lợi dụng tín nhiệm của họ để thực hiện các hành vì tham nhũng, lừa đảo, hối lộ, và rửa tiền cho tổ chức. Những cáo buộc này đã gây sốc cho toàn thế giới, bởi đây là những cáo buộc thường được đi đôi với các tổ chức tội phạm Mafia hay các băng đảng buôn ma túy Mexico, nay nó lại được gán với tổ chức bóng đá lớn nhất thế giới. Bản cáo trạng của Jack Warner cũng được đưa ra, tất nhiên là ông ta phủ nhận nó, và chưa hề có một bản án nào được đưa ra cho Jack. 
Mạng che nhằm đưa các nghi phạm ra xe về đồn
Mạng che nhằm đưa các nghi phạm ra xe về đồn
Sepp Blatter không có mặt trong danh sách những người bị bắt. Dù vẫn chiến thắng trong cuộc bầu cử tiếp theo, vì rõ ràng ông ta vẫn được yêu mến bởi không ít người, đặc biệt là các quốc gia châu Phi. Ông đã giúp các đất nước ít được biết tới bước ra ngoài ánh sáng nhờ bóng đá. Nhưng rõ ràng đây là cú tát khiến ông nhận ra mình không hề bất khả xâm phạm. Tất cả xảy ra trong thời kì Sepp tại vị, chẳng lạ khi ông trở thành hình ảnh của một FIFA đầy rẫy tham nhũng và thối rữa. Tới đây, Sepp Blatter không thể đóng vai người vô hình mãi được nữa, chiếc ghế của ông bắt đầu bị lung lay dữ dội, không lâu ngay sau khi ông tiếp tục được tại vị. 
6 ngày sau vụ bắt giữ, kể cả có là Sepp Blatter thì cũng chỉ có thể trơ mặt được một thời gian. Áp lực quá lớn đã khiến sức chịu đựng của ông đạt tới cực hạn. Ông tuyên bố từ chức, đường hoàng đi ra cửa trước của trụ sở FIFA, chứ không phải chờ bị ném ra bằng đường cửa sau. Nhưng với nhiều người, đây là một cách để Sepp sủi khỏi mọi trách nhiệm, và né được hiểm họa sẽ rơi vào tầm ngắm của FBI. Nhưng né mãi làm sao được. Người tiếp theo được nhắm tới vị trí do Sepp để lại, không ai khác ngoài Michel Platini, chủ tịch UEFA khi đó. Tất cả mọi người đều trông chờ vào sự tín nhiệm của Michel Platini, ít nhất là cho tới khi tấm ảnh này bị rò rỉ. Tấm ảnh của Sepp Blatter và Michel Platini đang thực hiện một vài giao dịch có vẻ không được đường hoàng lắm. 
Năm 2011, ngay trước kỳ bầu cử mà Sepp một lần nữa chiến thắng, đã có một khoản tiền lên tới 2 triệu franc Thụy Sĩ đã được chuyển cho Michel Platini từ FIFA. FBI vốn đã rất ngứa mắt với Sepp chỉ cần một cái cớ, và đây không thể nào là một cái cớ phù hợp hơn. Tình thế thực sự tồi tệ cho Platini, còn chính phủ thì ngay lập tức mở cuộc điều tra chống lại Sepp Blatter. Nhưng câu hỏi chính là ai đã làm lộ tất cả thông tin trên ra, không ai biết cả. Các giả thuyết cho rằng chính Sepp là người tung thông tin này ra nhằm đạp đổ chén cơm ngay trước mắt Platini. Đó cũng chính là lý do tại sao Platini chỉ trích Sepp Blatter thậm tệ đến như thế trên tất cả các phương tiện truyền thông, gọi ông là “kẻ phản bội trắng trợn”. Sau cùng, ủy ban đạo đức của FIFA đưa án đình chỉ Platini và Sepp khỏi tất cả các hoạt động của FIFA trong vòng 90 ngày để chờ kết quả điều tra. Tới tháng 12/2016, cả 2 bị kết tội vi phạm đạo đức và cấm tham gia vào mọi hoạt động liên quan tới bóng đá cho tới năm 2028. Sau 16 năm ngự trị, thời kỳ huy hoàng của Sepp Blatter cũng đã tới hồi kết. 
Sau khi cả Sepp và Platini không còn cơ hội giữ ghế chủ tịch, ít nhất là cho tới năm 2023, Gianni Infantino, tổng thư ký UEFA khi đó nhanh chóng đứng ra ứng cử và giành ghế. Tới khi đó, Platini mới nhận ra Infantino không còn là đồng minh của mình nữa từ rất lâu rồi. Infantino có được sự ủng hộ vô cùng lớn từ Nga, Qatar, và cũng chính ông giữ nguyên quyền đăng cai tổ chức World Cup tại các quốc gia này từ thời của Sepp Blatter. 
Gianni Infantino ngạo nghễ
Gianni Infantino ngạo nghễ
Năm 2021, sau khi buộc tội hơn 50 người tham gia, FIFA được công bố là một “nạn nhân” của tham nhũng trong bóng đá, được bồi thường 201 triệu đô bởi bộ tư pháp Mỹ. Sepp Blatter và Michel Platini dù bị ủy ban đạo đức đưa ra án phạt, nhưng họ chưa từng bị bộ tư pháp Hoa Kỳ buộc tội. Tới năm 2022, Platini và Sepp được tòa án Hình sự Thụy Sĩ tuyên trắng án liên quan tới vụ việc 2 triệu Franc. Chuck Blazer thì qua đời năm 2017 trước khi kịp thụ án, Jack Warner ở lại Trinidad và cho tới nay vẫn bị chính quyền Mỹ nỗ lực tìm cách buộc tội. 22 ủy viên đã từng bầu ra quốc gia đăng cai World Cup năm 2018 và 2022 giờ chỉ còn lại 1 người. 
Không rõ rằng có còn tham nhũng ở trong nội bộ FIFA hiện tại hay không, nhưng rõ ràng vụ việc năm 2015 sẽ là một pha cảnh tính lớn tới bất cứ ai có ý định bóp méo ý nghĩa của bóng đá, môn thể thao vua của thế giới.