Chủ nghĩa thoát ly
Chủ nghĩa thoát ly
Trong thời gian gần đây, rất nhiều trường hợp học sinh tự tử vì áp lực học tập, khiến nhiều người không khỏi xót xa.
Đáng chú ý hơn là trong đó có trường hợp 1 em học sinh cấp 2 vì bị dụ dỗ, nghe theo những hội nhóm về Isekai, mù quáng tin vào cái được gọi là “chuyển sinh”, để rồi sự việc đáng tiếc xảy ra. Khiến dư luận không khỏi xót xa và làm cảnh tỉnh nhiều phụ huynh.
Một lần nữa Isekai lại gây ra làn sóng trái chiều. Nhiều chỉ trích nhắm thẳng vào Anime nói chung và thể loại Isekai nói riêng. Từ đó, dấy lên hồi chuông cảnh báo, khiến chúng ta phải nghiêm túc nhìn nhận lại thể loại anime này. Vậy thực sự Isekai có xấu không? Isekai có đem lại nhiều bài học giá trị? Hay chỉ là trào lưu cổ xúy tự tử một cách độc hại?

Vì sao Isekai lại gây tranh cãi?

Isekai luôn là một trong những thể loại anime phổ biến nhất, đến mức mà mùa nào cũng sẽ có vài bộ thuộc thể loại này. Không ai là không nghe đến cụm từ “Isekai”.
Thể loại Isekai
Thể loại Isekai
Một trope thường xuyên bị lạm dụng trong Isekai là việc một nhân vật bị qua đời vì những lý do ngớ ngẩn, điển hình là bị truck-kun tông trúng. Để rồi được “chuyển sinh” qua một thế giới khác, mang trong mình sức mạnh vượt trội và có một cuộc sống viên mãn.
Khoan hãy nói về việc lạm dụng Isekai, khiến thể loại này trở nên tràn lan, nhàm chán dẫn đến tình trạng "thượng vàng hạ cám". Hay cách khai thác câu chuyện và phát triển nhân vật tệ hại. Cái khiến Isekai bị chỉ trích nhiều nhất chính là vì motif sử dụng cái chết như là một cách thức phổ biến để “chuyển sinh”.
Chính điều này, vô hình chung những người không xem quy chụp cho thể loại Isekai là cổ xúy tự tử. Thay vì khuyến khích nhân vật vượt lên, tìm ra lối thoát và từ đó có định hướng trong sáng, lành mạnh cho độc giả, nhiều bộ Isekai chọn cách cho nhân vật sống thụ động với hoàn cảnh của bản thân, và thoát khỏi tình trạng đó bằng những lựa chọn “cực đoan”.
Rất nhiều nước trên thế giới cũng ban hành lệnh cấm cửa đối với thể loại này, với lý do Isekai có thể gieo rắc ý nghĩ rằng "cái chết có thể giúp cho bạn đầu thai vào một cuộc sống tốt đẹp hơn". Điển hình là nước Nga, khi tình trạng khoảng cách thế hệ càng xa, thiếu sự quan tâm giữa con cái và cha mẹ, đồng thời tỷ lệ tự tử tại đất nước này cũng đang rất cao.
Đương nhiên không phải tất cả những bộ Isekai đều bị cấm cửa. Nhưng việc một tác phẩm lãng mạn hóa cái chết, mơ mộng về việc đầu thai chắc chắn sẽ đem đến những hệ lụy nghiêm trọng nếu không được kiểm soát chặt chẽ.
Các bạn có bao giờ thắc mắc là, vì sao các phim ngắn kiểu “chủ tịch giả dạng abc và các kết xyz” lại nhan nhản trên mạng, thậm chí trở nên thịnh hành chưa? Dù hầu hết chúng đều có nội dung lặp đi lặp lại, tình tiết thì phi lý, xa rời thực tế khó mà chấp nhận được, hành động và lời nói của nhân vật lại ngây ngô một cách ức chế, như thiểu năng EQ vậy.
Đó là vì chúng ta thấy hả hê trước việc một kẻ xem thường người khác, bị làm nhục và nhận lấy cái kết thích đáng. Lật lại vấn đề, lý do khiến cho các Isekai trở nên viral, thậm chí là áp đảo về số lượng trong giới manga/anime cũng na ná như vậy. Đó chính là sự thỏa mãn, hiện thực hóa những giấc mơ sâu thẳm của con người. Giấc mơ của những con người bình thường muốn thoát khỏi cuộc sống mệt mỏi và áp lực, giấc mơ được là một người nổi bật giữa đám đông, giấc mơ trở thành người hùng, sở hữu sức mạnh vô song.
Thử tưởng tượng bạn là một người bình thường ở thế giới này, nhưng khi chết đi lại được sang một thế giới khác mà bạn mang trong mình sức mạnh có thể cân cả sever, thì lại chẳng thích quá đi chứ. Những anime Isekai đã “gửi gắm” những giấc mơ này thông qua cái gọi là Chủ nghĩa thoát ly – Escapism.

Chủ nghĩa thoát ly: Escapism

Chủ nghĩa thoát ly – Escapism là xu hướng muốn thoát khỏi thế giới thực tại nhàm chán để tìm đến sự an toàn và thoải mái của một thế giới tưởng tượng. Thường là thông qua các hoạt động liên quan đến trí tưởng tượng hoặc giải trí, nhằm chuyển hướng tinh thần khỏi các khía cạnh khó chịu của cuộc sống, giúp bản thân thoát khỏi cảm giác chán nản hoặc buồn phiền dai dẳng.
Mặc dù định nghĩa khoa học được đưa ra từ Hiệp hội Tâm lý học Hoa Kỳ (APA) phức tạp là vậy. Chủ nghĩa thoát ly thực chất vẫn đang len lỏi, hiện diện trong phần đa, nếu không muốn nói là tất cả chúng ta nhưng lại ít được đề cập đến.
Nói cho đơn giản là, nếu cuối tuần bạn tạm gác công việc lại, đi du lịch đâu đó để thư giãn, thì đó chính là thoát ly. Bạn về nhà sau một ngày đi học, làm việc mệt mỏi, mở ngay một bộ anime mình yêu thích lên để xem, đó cũng chính là thoát ly. Vì cuộc sống bản chất luôn căng thẳng, nên bộ não chúng ta tự tạo ra cơ chế đối phó để vượt qua, dù bạn có nhận ra hay không.
Có thể thấy, đại diện tiêu biểu cho chủ nghĩa thoát ly chính là Isekai. Sự bùng nổ của các ấn phẩm Isekai trong văn hóa đại chúng khiến xu hướng này càng trở nên phổ biến. Chúng ta đều biết, Nhật Bản là đất nước nổi tiếng với áp lực công việc. Ngoài ra, văn hóa giao tiếp lịch sự, tuy khiến con người luôn hòa nhã với nhau, nhưng thực chất đó là sự thờ ơ, vô cảm. Truyền thống đặt giá trị tập thể lên trên giá trị cá nhân, đôi khi đè nén ý tưởng và ham muốn của bản thân.
Chính điều này, người Nhật luôn phải kìm nén cảm xúc bên trong mình, và như một lẽ tất yếu khiến họ có khuynh hướng thoát ly cao hơn. Phổ biến chính là hiện tượng Hikikomori, một thực trạng đáng đáng buồn trong xã hội Nhật.
Ban đầu, xu hướng Escapism xuất hiện như “một cái phao cứu sinh” cứu vớt cho những tâm hồn kiệt quệ và trống rỗng. Giúp con người tạm thời thoát khỏi hiện thực khắc nghiệt, để bản thân được an ủi, vỗ về, được tự do giải phóng những tiêu cực trong đời sống thường nhật.
Tuy nhiên, cái gì cũng có 2 mặt tốt - xấu của nó, Escapism như “con dao 2 lưỡi”, nó sẽ phản tác dụng nếu ta dấn thân quá lâu. Việc cứ chìm đắm vào thế giới tưởng tượng khiến ta lúc nào cũng ở trạng thái “lơ lửng”, không còn khả năng nhận thức được đâu là thật đâu là giả. Dẫn đến sự trì hoãn trong công việc, ảnh hưởng đến đời sống.
Escapism là một cơ chế tự nhiên của tâm lý con người, thế nên bản chất Chủ nghĩa thoát ly không xấu nếu được sử dụng đúng cách để hỗ trợ giải trí, giải tỏa sau một ngày làm việc, học tập mệt mỏi.
Trong guồng quay của cuộc sống hiện đại này, mỗi người đều đang bộn bề với những nỗi lo toan khác nhau. Vài năm gần đây, hàng loạt biến động về xã hội và kinh tế, cộng với sự cô đơn vì cách ly do đại dịch và khó khăn tài chính đã khiến nhiều người cảm thấy cần một "cái kén" để tạm thời trốn tránh những căng thẳng mệt mỏi mà họ đang chịu đựng.
Trong hầu hết các tác phẩm Isekai, thông thường các nhân vật chính sẽ là nhân viên văn phòng, những người đang chịu cảnh mắc kẹt với những khó khăn, căng thẳng và đang giam mình trong nhịp sống đơn điệu, tẻ nhạt. Hoặc dạng các nhân vật là hình mẫu của Hikikomori, nhưng thay vì nhìn nhận ra vấn đề và giải quyết nó thì họ được "trao" cho quyền lực và cơ hội thứ hai để thay đổi cuộc đời, như đang khuyến khích độc giả dấn sâu vào thế giới ảo.
Đấy là một thứ ảo tưởng quyền lực tối thượng, hòng giúp người đọc có thể trốn chạy khỏi thực tại đầy chán nản và thất vọng của mình nhưng đồng thời cũng làm trầm trọng thêm tâm lý muốn thoát ly, đôi khi đến mức cực đoan
Ở mức độ cao nhất, xu hướng Escapism khiến con người ta tìm đến cách cực đoan nhất để thoát ly, đó là tự giải thoát bản thân. Phải chăng mục tiêu cuối cùng của Chủ nghĩa thoát ly là tự phá hủy bản thân?
Đây là một câu hỏi bỏ ngỏ mà khiến mình suy nghĩ rất nhiều. Có nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, những người sử dụng cách “cực đoan” để thoát ly thường mắc bệnh trầm cảm. Có vẻ như nếu chúng ta không trực tiếp giải quyết các vấn đề của mình mà chỉ lảng tránh nó, chúng ta rất có thể có sẽ rơi vào tình trạng trầm cảm
Vậy, làm thế nào để có thể quay trở lại thực tại sau khi thoát ly? Cân bằng giữa chạy trốn và đối mặt?
Đầu tiên, bạn phải trả lời câu hỏi, tìm hiểu xem bản thân đang cố chạy trốn điều gì? Thông thường thì chúng ta trốn tránh vì chúng ta cảm thấy xấu hổ, cảm thấy sợ hãi, hay cảm thấy bản thân đã thất bại.
Sau đó, hãy xác định lý do tại sao bạn cần phải trốn thoát. Không phải tất cả Chủ nghĩa thoát ly đều xấu. Nếu bạn chỉ đang chạy trốn thực tế vì không dám đối diện thì điều đó không tốt đẹp. Nhưng nếu bạn đang thoát khỏi cuộc sống hiện tại để có thêm những trải nghiệm mới mẻ, tích lũy kinh nghiệm sống rồi dùng nó để giải quyết những vấn đề hiện tại, từ đó có thể cải thiện sức khỏe, giúp năng suất hơn khi quay lại làm việc thì đó là điều tốt.
Hãy lập một kế hoạch cụ thể, bắt đầu từ những đầu việc đơn giản nhất. Từ từ cảm nhận và thấu hiểu bản thân mình hơn.

Cái nhìn công tâm cho Isekai

Có thể nói, những tác phẩm Isekai được xem như những tấm gương phản chiếu hiện thực của xã hội ngày nay, phản ánh nỗi lòng của những con người đang cảm thấy lạc lõng, trầm cảm ở thế giới thực.
Với việc dựa vào Chủ nghĩa thoát ly và yếu tố kỳ ảo, Isekai tạo ra không gian giải trí rộng mở, đầy tính sáng tạo và đặc biệt là không đặt nặng về mặt tâm lý. Điều này khác với một số kiểu thể loại nặng về triết học, kinh dị, hay yếu tố hàn lâm trong anime, manga.
Ở khía cạnh giải trí, Isekai tích cực ở chỗ cung cấp cho người xem một khoảng nghỉ trong cuộc sống thường ngày, tiếp thêm năng lượng cho học tập, lao động và khơi nguồn trí sáng tạo.
Phải chăng, chúng ta đang có cái nhìn phiến diện về Anime/manga nói chung và thể loại Isekai nói riêng? Khi chỉ chăm chăm nhìn vào mặt tiêu cực mà bỏ qua mặt tích cực mà hình thức giải trí này đem lại. Ở mức độ lành mạnh, tiêu thụ văn hóa phẩm như Anime, Manga... không có gì là xấu cả.
Nếu nói Isekai cổ xúy tự tử, thì không có bất cứ số liệu thống kê nào cho thấy mối liên hệ giữa tỉ lệ tự tử và Isekai cả. Thậm chí, dù là một nước nổi tiếng với tỉ lệ tự tử cao, số ca tự tử tại Nhật Bản đang đều đặn giảm đi trong gần chục năm trở lại đây.
Đáng chú ý là tỉ lệ tự tử đi xuống này, cũng trùng với khoảng thời mà Isekai bùng nổ và sự tiếp cận ngày càng dễ hơn với các ấn phẩm trực tuyến.
Còn nếu nói Anime đang ảnh hưởng tiêu cực đến giới trẻ Việt Nam. Thì trong báo cáo “Bản chất vấn đề tự tử ở trẻ em và thanh thiếu niên tại một số tỉnh/thành phố ở Việt Nam” của Quỹ Nhi đồng Liên hiệp quốc (UNICEF) và Viện Nghiên cứu Phát triển Hải ngoại (ODI) có đề cập đến các nguyên nhân cơ bản dẫn đến việc tự tử ở nhóm trẻ em và thanh niên. Chủ yếu là các nguyên nhân đến từ nhà trường, gia đình và bạn bè. Và Anime/manga về Isekai không này trong số đó. Không phủ nhận việc văn hóa phẩm độc hại có thể gây ảnh hưởng xấu đến suy nghĩ, hành vi của người xem. Đặc biệt đối tượng là các bạn học sinh, thanh thiếu niên. Nhưng ý mình ở đây muốn đề cập là chúng ta nên có một cái nhìn khách quan hơn.
Báo cáo của UNICEF và ODI
Báo cáo của UNICEF và ODI
Bản chất của một vật, hiện tượng không xấu, nhất là các sản phẩm của trí tưởng tượng sinh ra nhằm để giải trí. Manga hay anime nó cũng chỉ là giả tưởng, vấn đề là những kẻ có vấn đề tâm lý xem nó là thật hoặc cố tình xem nó là thật. Cái đáng lên án là những người lợi dụng vỏ bọc Anime để thực hiện các hành vi gây tổn hại đến người khác, hay xúi giục trẻ em phạm tội. Chúng ta có quyền lên tiếng cảnh báo để các bậc phụ huynh có thể bảo vệ con em mình. Chứ không phải chửi bới xúc phạm các tác phẩm này.
Nếu nhìn từ một khía cạnh khác, chẳng phải “Tom & Jerry” chứa những yếu tố bạo lực nhất thế giới sao? Những màn đuổi bắt, ngã lộn, đánh đấm, tra tấn, cùng với các đạo cụ ghê người như dao, kiếm, kìm, thuốc nổ... Nhưng “Tom & Jerry” lại hiếm khi bị chỉ trích vì yếu tố bạo lực. Chính là bởi vì cách tiếp nhận khi xem “Tom & Jerry”, chúng ta đều biết những phân cảnh đó hoàn toàn chỉ để giải trí và không hề có thực.
Hình ảnh bạo lực trong Tom & Jerry
Hình ảnh bạo lực trong Tom & Jerry
Hầu như tất cả những bộ Isekai đều có giới hạn độ tuổi ở 1 mức nào khi xem. Và việc chọn cho mình một bộ Isekai phù hợp với độ tuổi và nội dung lành mạnh để giải trí là điều tương đối dễ dàng.
Chắc hẳn bạn vẫn còn nhớ Thử thách cá voi xanh hay Thử thách momo nhiều năm vể trước chứ? Dù không có các bộ Isekai đó vẫn sẽ luôn tồn tại một loại hình khác nguy hiểm hơn mà thôi. Trách nhiệm lúc này thuộc về các cơ quan kiểm soát Internet tại Việt Nam. Đồng thời nhà trường cũng như gia đình cần phải quan tâm và dạy dỗ cho con cái để tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra.
Dẫu sao thì, mấu chốt của vấn đề vẫn nằm ở tư duy, nhận thức và định hướng của người xem, cũng như của xã hội. Bản thân các tác phẩm giải trí không có gì xấu nếu chúng có chất lượng nội dung lành mạnh, truyền tải thông điệp ý nghĩa và được tiếp nhận đúng cách. Isekai cũng chỉ là một trong số vô vàn thể loại văn hóa phẩm khác đến từ đất nước mặt trời mọc, và việc càng được phổ biến nhiều hơn tất nhiên sẽ đồng nghĩa đi kèm với mức độ liên hệ đến các tác động tiêu cực nhiều hơn bình thường.

Lời kết

Theo kiến thức căn bản trong ngành Dược, bất cứ thứ gì dù tốt đến mấy cũng sẽ trở thành chất độc nếu dùng quá liều. Bởi, nếu xem xu hướng Escapism hay Isekai như “một liều thuốc chữa lành” sau một ngày dài mệt mỏi, thì nó có “khoảng trị liệu” khá hẹp đấy. Vì vậy, chúng ta phải rất thận trọng nếu muốn dùng hiệu quả và theo dõi độc tính khi sử dụng.
Suy cho cùng thì, vấn đề không phải nằm ở Chủ nghĩa thoát ly hay Isekai, mà là cách đối diện nó với một tâm thức sẵn sàng, trưởng thành và dám chịu trách nhiệm.
Đó là tất cả suy nghĩ của mình về vấn đề trên. Cảm ơn các bạn đã xem hết video. Các bạn có đồng ý với quan điểm của mình không? Hãy cùng nhau thảo luận thêm ở dưới phần comment nhé!!
Nếu muốn tìm hiểu thêm, ghé qua đây để xem nhá.