Đây là phần dịch của mình từ bài viết Life in the North Atlantic depends on this floating seaweed của tác giả James Prosek.
Câu chuyện này xuất hiện trên tạp chí National Geographic số tháng 6 năm 2019.
Tảo đuôi ngựa Sargassum là một vị khách không mời phiền nhiễu cho không ít các bờ biển, thế nhưng đối với tầng tầng lớp lớp sinh vật vừa phức tạp, vừa lộng lẫy ở ngoài đại dương kia, chúng lại là một chốn ngụ cư an tâm và cả là một yến tiệc nữa.
Một lùm tảo Sargassum có kích thước cỡ một quả bóng đá, trôi dạt gần Bermuda trong vòng xoáy chầm chậm của biển Sargasso, cũng là một phần của dòng hải lưu Bắc Đại Tây Dương. Chỉ một lùm tảo be bé thế này thôi cũng đã có thể chở che cho hàng nghìn loài sinh vật, từ những ấu trùng cá tin hin tới các gia đình cá ngựa lớn.
Một lùm tảo Sargassum có kích thước cỡ một quả bóng đá, trôi dạt gần Bermuda trong vòng xoáy chầm chậm của biển Sargasso, cũng là một phần của dòng hải lưu Bắc Đại Tây Dương. Chỉ một lùm tảo be bé thế này thôi cũng đã có thể chở che cho hàng nghìn loài sinh vật, từ những ấu trùng cá tin hin tới các gia đình cá ngựa lớn.
“Chẳng có bất cứ thứ gì giống như lũ tảo này ở bất kỳ đại dương nào khác ngoài kia” - nhà sinh vật biển Brian Lapointe cho hay, “Không có nơi nào khác trên hành tinh xanh của chúng ta có thể mang lại sự hỗ trợ cho đa dạng sinh vật ở giữa đại dương như vậy - và sự hỗ trợ đó có được là nhờ lũ tảo đuôi ngựa”.
Đúng thế, Lapointe đang nói về một loại rong biển nổi được biết đến với cái tên Tảo đuôi ngựa Sargassum, loài tảo độc quyền của một vùng thuộc Đại Tây Dương được gọi là Biển Sargasso. Vùng biển này có ranh giới rất mơ hồ, bởi chúng được xác định không phải bằng các kiểu bờ bãi, mà bằng cách dựa vào năm dòng hải lưu lớn xoáy theo chiều kim đồng hồ ôm trọn lấy Bermuda. Vì đặc điểm ở cách xa đất liền, nên nước biển Sargasso nghèo dinh dưỡng, nhưng cũng bởi vậy mà nó đặc biệt sạch trong với màu xanh rực rỡ.
Với những chú rùa biển mới nở, điển hình như bạn rùa Quản Đồng “thiếu niên” trong ảnh đây, chúng bắt đầu cuộc hành trình đời mình bằng con đường từ những bãi biển cát vàng nơi chúng được sinh ra tới thẳng những thảm tảo đuôi ngựa Sargassum để tìm thức ăn, cũng như để ẩn náu khỏi các loài săn mồi trong những năm tháng đầu đời. (Ảnh: David Doubilet)
Với những chú rùa biển mới nở, điển hình như bạn rùa Quản Đồng “thiếu niên” trong ảnh đây, chúng bắt đầu cuộc hành trình đời mình bằng con đường từ những bãi biển cát vàng nơi chúng được sinh ra tới thẳng những thảm tảo đuôi ngựa Sargassum để tìm thức ăn, cũng như để ẩn náu khỏi các loài săn mồi trong những năm tháng đầu đời. (Ảnh: David Doubilet)
Biển Sargasso, vốn là một phần của xoáy nước rộng lớn được biết đến với tên gọi “dòng hải lưu Bắc Đại Tây Dương”, thường được mô tả là một “sa mạc” của đại dương -  và có vẻ là nó sẽ thực sự trở thành một “sa mạc” kiểu như vậy, nếu như không có những thảm tảo đuôi ngựa Sargassum trôi nổi.
Thoạt qua, đám tảo đuôi ngựa Sargassum này nhìn chẳng có vẻ gì là đáng nổi bật - cũng chỉ là những đám thực vật trôi dạt vô định - nhưng như Lapointe đã làm sáng tỏ qua công trình nghiên cứu của mình, thì thực chất tảo đuôi ngựa Sargassum lại là nền tảng của một hệ sinh thái phức tạp, cũng là nơi dung dưỡng cho hàng loạt các sinh vật biển tuyệt đẹp. Tảo đuôi ngựa Sargassum đã trở thành một nơi trú ẩn di động an toàn, và còn là một bữa tiệc không-đứng-yên ngon lành nữa.
Trong suốt 36 năm, Lapointe, một nhà sinh vật học thuộc Viện Hải dương học Chi nhánh Hải cảng của Đại học Florida Atlantic ở Fort Pierce, đã nghiên cứu kỹ lưỡng vùng biển Sargasso, ông quan sát tảo đuôi ngựa Sargassum bằng cả vệ tinh và tận tay chạm vào chúng bằng cách tự mình lặn xuống. Lapointe muốn tìm ra xuất phát điểm của lũ tảo đuôi ngựa, cách chúng di chuyển ra sao, chúng đã luôn duy trì sự sống cho các loài nào, và đâu là thứ đã duy trì sự sống cho chúng - và đồng thời ông cũng muốn làm sáng tỏ mối quan hệ phức tạp giữa tảo Sargassum và các dạng thức khác của sinh vật biển, từ những loài bé nhỏ như cá ngựa kia, đến những chú cá mập trắng lớn. Ông nói, chỉ còn cách thông qua tìm hiểu về nguồn tài nguyên quan trọng này, ta mới có thể bảo vệ nó khỏi các mối đe dọa tiềm ẩn, chẳng hạn như vấn đề axit hóa đại dương và ô nhiễm đại dương.
Tất nhiên nó cần được bảo vệ chỉ khi mà nó cần được bảo vệ.
RILEY CHAMPINE, NGM STAFF SOURCE: BRIAN LAPOINTE, FLORIDA ATLANTIC UNIVERSITY
RILEY CHAMPINE, NGM STAFF SOURCE: BRIAN LAPOINTE, FLORIDA ATLANTIC UNIVERSITY
Trong vài năm trở lại đây, tảo đuôi ngựa Sargassum liên tục được đưa tin, nhưng không phải trong vai trò là nguồn thức ăn mang lại sự sống cho tự nhiên, mà là một tai họa, bởi hàng đống hàng đống tảo đuôi ngựa này đã dạt vào các bãi biển Caribe và Mexico, làm chúng trở nên bẩn tưởi. “Vì lẽ này mà chẳng còn ai nói về việc bảo vệ đám tảo đuôi ngựa nữa rồi”, Lapointe chia sẻ, “Giờ nó xoay quanh nhiều hơn câu chuyện kiểu là, làm thế nào để chúng ta tống khứ chúng đi được nhỉ?”
Điều đó đã thực sự phảng phất trong suy nghĩ của các thủy thủ tàu Santa María (ND: con tàu lừng danh trong hành trình đầu tiên khám phá châu Mỹ) của nhà hàng hải Christopher Columbus. Trong một mục của nhật ký của con tàu, cụ thể là vào ngày 20 tháng 9 năm 1942, người ta ghi lại rằng đám tảo đuôi ngựa ở một vài nơi đã “thực sự dày tới mức mà những con tàu bị kẹt cứng lại”. Những nhà thám hiểm ban đầu đã ghi lại rằng các bong bóng khí giữ cho tảo biển nổi lồng bồng đã nhắc nhớ họ về một loại nho mà họ gọi là “sargazo”.
Tảo đuôi ngựa Sargassum có gốc gác ở những vùng giàu dinh dưỡng gần duyên hải châu Mỹ, đặt biệt là ở vịnh Mexico. Các dòng hải lưu đã mang loài tảo này đi vòng quanh bán đảo Florida, nơi nó bị cuốn theo dòng hải lưu Gulf Stream chảy về phía Bắc và cuối cùng thì kết thúc bằng cách đổ ra biển Sargasso. 
Một thợ lặn thả trôi mình bên dưới khối tảo đuôi ngựa bị xuyên thủng bởi những tia nắng, gần Cozumel, Mexico. Hàng khối tảo Sargassum lớn bất thường đã dạt vào bờ biển ở vịnh Mexico, vùng Caribe, và nhiều nơi khác, làm ô uế các bãi biển vốn thuộc các địa danh du lịch được yêu thích. (Ảnh: David Doubilet)
Một thợ lặn thả trôi mình bên dưới khối tảo đuôi ngựa bị xuyên thủng bởi những tia nắng, gần Cozumel, Mexico. Hàng khối tảo Sargassum lớn bất thường đã dạt vào bờ biển ở vịnh Mexico, vùng Caribe, và nhiều nơi khác, làm ô uế các bãi biển vốn thuộc các địa danh du lịch được yêu thích. (Ảnh: David Doubilet)
Nhà Hải dương học Sylvia Earle, người đã góp công khởi xướng nỗ lực biến Biển Sargasso trở thành hải phận được bảo tồn đầu tiên trên biển, đã ví tảo Sargassum như một khu rừng mưa nhiệt đới lóng lánh ánh vàng. Đó là một phép ẩn dụ tuyệt hảo, bởi đám tảo đã tạo hình hệt như một kiểu tán cây trên bề mặt đại dương. Tảo Sargassum mang tới tâm trí tôi hình bóng của một rạn san hô bồng bềnh hoặc thậm chí là một thảo nguyên giữa biển khơi - một “hệ sinh thái xavan Serengeti” của biển.
Theo một nghiên cứu nọ, những sợi rong của tảo Sargassum hỗ trợ một cách đầy kinh ngạc cho đa dạng giống loài sinh vật ẩn náu trong đám tảo và dùng tảo đuôi ngựa làm nguồn thức ăn - từ ấu trùng và con non của 122 loài cá khác nhau, tới những chú rùa biển sơ sinh, những bạn hải sâm, bầy đàn cá ngựa, nào cua, nào tôm và cả tụi ốc biển nữa. Sau đó thì đến lượt đám tảo Sargassum được những sinh vật kia “bón phân” nuôi dưỡng.
Những sinh vật sống lớn hơn chẳng hạn như cá và rùa thường được 1 bữa no với những gì chúng tìm thấy trong lùm tảo, và chính chúng sẽ thu hút các loài săn mồi lớn hơn nữa - là cá bò da, cá bò giấy, cá rô biển, cá nục heo cờ, và cá jack, chính là những loài trên chuỗi thức ăn của cá mập, cá ngừ đại dương, cá thu, và cá kiếm. Bên cạnh đó, các loài chim nhiệt đới, chim báo bão, chim biển mũi ống, chim nhàn, chim điên, và các loài chim khác thuộc vùng biển nổi ở xa ngoài khơi cũng đậu lại và kiếm ăn trên các thảm tảo Sargassum này.
Tảo đuôi ngựa bị quấn vào trong dây thừng vô tình mang đến bóng râm và nơi ẩn náu cho những chú cá bò da. Các mảnh vụn nhân tạo, từ những tấm pallet gỗ để vận chuyển hàng tới thùng phuy bằng nhựa và các bình chứa nhiên liệu (ND: như là dầu, xăng,...), có khả năng tạo ra một chốn trôi nổi nơi sự sống tuy có thể mọc lên được đấy, nhưng nếu thành phần là nhựa thì đó lại là một vấn đề đe dọa đặc biệt tới nhiều giống loài. (Ảnh: David Doubilet)
Tảo đuôi ngựa bị quấn vào trong dây thừng vô tình mang đến bóng râm và nơi ẩn náu cho những chú cá bò da. Các mảnh vụn nhân tạo, từ những tấm pallet gỗ để vận chuyển hàng tới thùng phuy bằng nhựa và các bình chứa nhiên liệu (ND: như là dầu, xăng,...), có khả năng tạo ra một chốn trôi nổi nơi sự sống tuy có thể mọc lên được đấy, nhưng nếu thành phần là nhựa thì đó lại là một vấn đề đe dọa đặc biệt tới nhiều giống loài. (Ảnh: David Doubilet)
Hai loài tảo đuôi ngựa Sargassum chiếm ưu thế ở biển Sargasso cũng chính là 2 loài rong biển duy nhất trên thế giới không bắt đầu một đời an cư dưới đáy biển. Kết quả của số phận không neo đậu này, là biết bao tấm thảm tảo có màu từ vàng lơ mơ đến hổ phách đậm đà tồn tại đầy ngẫu hứng theo ý đồ của gió, của dòng chảy biển khơi, có khi chúng bị xé toạc bởi bão bùng và khi lại nương với nhau trong những vùng biển êm ả, các mép “thảm” cứ vậy mà cài vào nhau tựa như băng dính gai. Những khối tảo Sargassum cũng biến hóa trong nhiều loại kích thước, từ hàng dặm đường dài, tới những miếng chỉ trong lòng bàn tay của bạn.
Cá Sargassum nè :)) Trong bài gốc có chùm 14 ảnh của một số loài nương tựa vào tảo Sargassum mà sống, các bạn xem tại <a href="https://www.nationalgeographic.com/magazine/article/sargasso-sea-north-atlantic-gyre-supports-ocean-life">đây</a> nha (Ảnh: David Liittschwager)
Cá Sargassum nè :)) Trong bài gốc có chùm 14 ảnh của một số loài nương tựa vào tảo Sargassum mà sống, các bạn xem tại đây nha (Ảnh: David Liittschwager)
“Ngay cả những khối tảo bé nhỏ chừng bàn tay bạn đó cũng có đủ kiểu sinh vật sống liên đới theo”, Jim Franks, một nhà nghiên cứu khoa học lâu năm và cũng là một chuyên gia về tảo Sargassum tại phòng thí nghiệm nghiên cứu bờ biển vùng vịnh của Đại học Nam Mississippi ở Ocean Springs, cho biết. Sự sống đông vui của những loài gắn liền với cây sargassum cũng phải liên tục điều chỉnh để thích nghi với việc khi hợp, khi tan của những thảm tảo Sargassum, cũng là những mảnh “đất nguồn dinh dưỡng” của chúng. Nói về Sargassum, Frank cho hay, “Đó là một trong những môi trường sống đại dương sống động nhất mà ta có thể tưởng tượng được”.
Biển Sargasso bấy lâu nay đã luôn gắn liền với sự huyền bí. Các thủy thủ của thế kỷ 18 đã gọi phần biển của Đại Tây Dương này là “vĩ độ ngựa” bởi vì, chuyện kể rằng, những con thuyền buồm xưa sẽ bị mắc lại và chôn chân trong đó và thủy thủ đoàn phải quẳng bớt những chú ngựa trên tàu xuống đại dương khi nguồn nước ngọt của tàu dần cạn kiệt. Và biển Sargasso cũng trùng hợp nằm trong vùng biển “tam giác quỷ” Bermuda, một vùng biển huyền thoại, nơi mà tàu thuyền và máy bay được cho là đã biến mất mà không để lại một dấu vết. Cho dù bạn có tin hay không những truyền thuyết kể trên, thì khi bạn ghé thăm biển Sargasso, bạn vẫn sẽ không khỏi xúc động trước những khoảnh khắc đầy tuyệt vời của nó.
Sinh vật phù du bé nhỏ sinh sống trong một giọt nước từ biển Sargasso.
Sinh vật phù du bé nhỏ sinh sống trong một giọt nước từ biển Sargasso.
Những ấu trùng này sẽ sớm lớn thành những chú cá chuồn bay bổng.
Những ấu trùng này sẽ sớm lớn thành những chú cá chuồn bay bổng.
Các bọc chứa khí này được gọi là nang khí, chúng giữ cho cây tảo Sargassum nổi bồng bềnh và bám sát mặt nước, và cũng đồng thời trở thành chiếc bè cho loài tôm Sargassum như ảnh, loài tôm có màu sắc giống với cây tảo đã cho chúng ở nhờ (Ảnh: David Liittschwager)
Các bọc chứa khí này được gọi là nang khí, chúng giữ cho cây tảo Sargassum nổi bồng bềnh và bám sát mặt nước, và cũng đồng thời trở thành chiếc bè cho loài tôm Sargassum như ảnh, loài tôm có màu sắc giống với cây tảo đã cho chúng ở nhờ (Ảnh: David Liittschwager)
Một đêm nọ khi tác nghiệp ở dưới nước ngoài khơi của Bermuda, nhiếp ảnh gia David Doubilet thong dong chụp lại hình ảnh của những chú cá bị ánh đèn pha trên tàu của chúng tôi hấp dẫn. Vào lúc anh ấy đang bơi vòng quanh vài chú cá chuồn để chụp ảnh, thì anh ấy phát hiện ra một con cá mập hổ lớn đang ở ngay ngoài vùng chiếu sáng. Doubilet liền vội vàng được kéo lên bằng dây an toàn.
Trong các chuyến đi lặp lại, chúng tôi đã đi lùng sục những thảm tảo đuôi ngựa lớn để khám phá thêm. Thế nhưng chúng tôi không còn thấy bóng dáng cây tảo nào ở đâu cả. “Có ngày, ta sẽ chẳng nhìn thấy chúng ở bất cứ nơi đâu”, một ông lão đánh cá nói với chúng tôi, “rồi khi ta thức dậy vào sáng hôm sau, các vùng vịnh và bến cảng lại đang ứ nghẹn với tảo”.
Vào những ngày may mắn hơn, chúng tôi sẽ chăng lưới được vài cụm tảo Sargassum và phân loại chúng trong xô chậu, để tìm kiếm sự sống của các sinh vật biển cho nhiếp ảnh gia David Liittschwager ghi lại làm tài liệu. Lật một miếng tảo lên, tôi phát hiện ra một sinh vật nhỏ bé trông giống ếch với một cái miệng rộng và các phần cơ thể phụ trông như tảo đuôi ngựa: đó là loài cá Sargassum, một trong hơn chục loài sinh vật đã tiến hóa để bắt chước loài tảo kia. Bằng cách sử dụng những chiếc vây ngực tí xíu của mình để bám vào tảo Sargassum, loài cá này gần như trở nên vô hình. Philippe Rouja, một nhà sinh vật biển người Bermuda và cũng là người đã giúp chúng tôi tìm ra những sinh vật sống trong tảo đuôi ngựa, đã thả một con cá nho nhỏ khác vào trong xô. Con cá Sargassum đã ngay lập tức nuốt chửng chú cá kia bằng cái miệng to đoành của nó.
Một con cá nhà táng rẽ sóng bên dưới thảm tảo Sargassum vàng óng. Loài tảo này đã nuôi dưỡng vô số các dạng sống, từ những loài sinh vật đơn bào đến cả loài động vật có vú lớn nhất trên trái đất. Chất thải của các sinh vật sống này giúp kéo dài sự sống cho tảo Sargassum (Ảnh: Brian Skerry)
Một con cá nhà táng rẽ sóng bên dưới thảm tảo Sargassum vàng óng. Loài tảo này đã nuôi dưỡng vô số các dạng sống, từ những loài sinh vật đơn bào đến cả loài động vật có vú lớn nhất trên trái đất. Chất thải của các sinh vật sống này giúp kéo dài sự sống cho tảo Sargassum (Ảnh: Brian Skerry)
Đêm nọ, tôi đã ngồi cùng Liittschwager khi anh ấy đang chụp lại chiến lợi phẩm của ngày. Chỉ trong một khối tảo có kích thước bằng một quả bóng đá thôi, mà chúng tôi đếm được 900 ấu trùng cá siêu nhỏ, 30 loài giáp xác chân khớp, 50 con ốc biển, 4 con hải quỳ, 2 con giun dẹp, 6 chú cua, 20 con tôm, 7 chú hải sâm, hơn một nghìn loài giun đã bị vôi hóa, và vô vàn sinh vật hình rêu, các loài giáp xác chân chèo bé tí teo, và không thể đếm được các sinh vật phù du khác.
“Vậy là..”, Liittschwager đầy kinh ngạc lên tiếng sau khi chúng tôi hoàn thành việc kiểm kê, “số sinh vật có thể nhìn thấy được bằng mắt thường mà ta ước lượng được là 3.000 - à đâu, phải là bằng cả kính đọc sách của tôi nữa chứ”.
 Thế nhưng những nỗ lực nhằm quảng bá ưu điểm của tảo Sargassum đến công chúng rộng rãi hơn của Lapointe đã bị trật nhịp vì sự bùng nổ của tảo đuôi ngựa ở vùng Vịnh, vùng Caribe, Brazil và thậm chí cả Tây Phi, làm tắc ứ môi trường sống của rừng ngập mặn, gây ngạt thở cho những rạn san hô, bóp nghẹn các vùng vịnh, vùi lấp các bãi biển (hàng tấn tảo đuôi ngựa bao biển ngăn cản những chú rùa mới nở tìm được đường ra đại dương), và gây ra tổn hại đáng lo ngại cho ngành du lịch.
“Tốt thôi đừng tốt quá”, Lapointe nói về cách mà tảo Sargassum tăng trưởng - dư thừa tảo đuôi ngựa khiến cho nước biển “thiếu hụt oxy và ám sự thối rữa”. (ND: Tảo đuôi ngựa khi dạt bờ sẽ chết dần và bốc mùi hôi thối)
Trong nhiều năm qua, tảo Sargassum đã đổ bộ vào các bãi biển ở Martinique và Guadeloupe ụ thành từng đống cao hơn 10 feet (ND: Khoảng hơn 3m). Lapointe nói: “Tôi nghe một số người bảo tôi rằng nếu như tình trạng này không ngưng lại, họ buộc phải đóng cửa các khu nghỉ dưỡng của mình”. Những người dân sinh sống tại Trinidad và các đảo của vùng Caribe cũng bị buộc phải sơ tán bởi mối đe dọa từ khí hydro sunfua độc hại được phát thải ra từ lượng tảo Sargassum thối rữa trên các bãi biển.
Một đàn cá jack kiếm ăn bên dưới những thảm tảo màu vàng mờ. Jules Verne, trong cuốn sách “Hai vạn dặm dưới đáy biển” viết năm 1870 của mình, đã ví tảo Sargassum là “một thảm cỏ tuyệt hảo” (Ảnh: David Doubilet)
Một đàn cá jack kiếm ăn bên dưới những thảm tảo màu vàng mờ. Jules Verne, trong cuốn sách “Hai vạn dặm dưới đáy biển” viết năm 1870 của mình, đã ví tảo Sargassum là “một thảm cỏ tuyệt hảo” (Ảnh: David Doubilet)
Không ai biết chính xác tại sao sự sinh sôi bùng nổ này lại xảy ra. Lapointe cho rằng biến đổi khí hậu có thể đã làm thay đổi các dòng hải lưu, đưa tảo Sargassum đến những nơi mà nó vốn hiếm khi được nhìn thấy - từ Tây Phi tới vùng duyên hải phía Bắc Brazil. Một giả thuyết khác là về thứ bụi giàu phốt pho, nương trong gió từ sa mạc Sahara trước đây bị thổi băng qua Đại Tây Dương, nay đã lắng xuống biển và gây ra hiện tượng nảy nở ngoài khơi. Nhưng thủ phạm chính nhiều khả năng đến từ sự dồi dào nitơ quá mức của nền công nghiệp canh tác ở nội địa Hoa Kỳ - các chất dinh dưỡng đã chảy từ hệ thống Mississippi vào vùng Vịnh, khiến cho tảo Sargassum phát triển tràn lan, um tùm.
“Hệ thống này quá phức tạp để có thể hiểu một cách cặn kẽ,”, Lapointe nói, “nhưng đây dường như đó chính là thứ đã gây ra tất cả. Chúng tôi đã thử lần theo dấu vết của nitơ, và nó khởi nguồn ở những vùng trung tâm.”
Tôi chẳng cần nhìn tận đâu xa hơn cánh cửa sổ nhà tôi ở miền nam Connecticut để được nhắc nhở rằng sự liên kết với nhau trong tự nhiên không chỉ là một cụm từ vô vị của Thời Đại Mới vay mượn từ triết học phương Đông. Không sinh vật nào có thể minh họa sống động tính toàn diện của thiên nhiên hơn loài lươn nước ngọt. Chúng sống ở trong cái ao ngay đối diện nhà tôi, nhưng hãy đoán thử xem chúng - và tất thảy loài lươn của nước Mỹ - được sinh ra ở đâu nào? Câu trả lời là trong “bụng mẹ” ấm áp ở cách xa vài ngàn dặm có tên biển Sargasso.
P.s: Cảm ơn các bạn đã đọc bài dịch của mình. Mình chỉ là người yêu thích chủ đề nên mạo muội dịch lại chứ không chuyên sâu về lĩnh vực hải dương học, vậy nên có chi tiết nào mình dùng từ chưa chính xác thì mong mọi người góp ý để mình sửa nha :D Many thanks <3